(Báo Quảng Ngãi)- Những chuyến tàu vươn ra biển khơi không chỉ chứa đựng hy vọng của chủ tàu, mà còn mang theo niềm tự hào của những người thợ đóng tàu.
TIN LIÊN QUAN
Mỗi lần tạo ra "những đứa con tinh thần" đó, người thợ đóng tàu mong chúng sẽ luôn cứng cáp, vững vàng trên biển, giúp ngư dân thu về đầy ắp cá tôm.
Phải có niềm đam mê
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi gặp anh Lê Văn Nghĩa (40 tuổi) quê ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê tại khu đóng tàu xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Mưa gió kéo dài cả tuần, nên anh cùng hai người thợ xuống kiểm tra đảm bảo cho vật liệu gỗ an toàn. "Những ngày mưa tôi lo sốt ruột. Sợ không kịp giao tàu cho khách hàng. Nắng ngày nào là đội thợ tranh thủ làm ngày đó", anh Nghĩa bộc bạch.
Anh Lê Văn Nghĩa đang hoàn thiện con tàu ở khu đóng tàu xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Đ.Sương |
Cha anh Nghĩa là một thợ đóng tàu nổi tiếng những năm 1990 - 2000, được thừa hưởng sự lành nghề của người cha, cộng thêm sự đam mê của bản thân, anh Nghĩa luôn cần mẫn, chịu khó theo các thợ đóng tàu chuyên nghiệp học hỏi. Với những công đoạn khó làm, anh vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được. Anh Nghĩa chia sẻ: "Phải yêu nghề mới làm tốt. Vì nghề này đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật và cả sự cần cù, chịu khó. Tôi theo học nghề ở xưởng đóng tàu Nghĩa Phú hơn 1 năm, đến năm 2002 tôi lập ra đội thợ đóng tàu cho riêng mình, với khoảng 5, 6 người".
"Trước năm 2014, chúng tôi tự hình dung ra hình dáng và sáng tạo theo trí tưởng tượng đó để hoàn thành con tàu. Sau năm 2014, muốn hoàn thành một con tàu dù lớn hay nhỏ phải làm theo mẫu thiết kế và từng chi tiết phải đúng tỷ lệ mà Nhà nước quy định mới được hạ thủy. Cho nên, người thợ đóng tàu phải làm việc cẩn thận hơn trước, để những con tàu vững chãi vươn khơi trên biển lớn". Thợ đóng tàu LÊ VĂN NGHĨA |
Có thâm niên 35 năm làm nghề đóng tàu, ông Hồ Minh Hải (59 tuổi), ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) được người dân địa phương biết đến là một tay đóng tàu chuyên nghiệp. Tiếng tăm Hải "Quýt" lừng lẫy cả một vùng biển Nghĩa An và các tỉnh lân cận.
Đội tàu từ 30 người của ông không những đóng tàu ở trong tỉnh mà ông còn đưa đội tàu đi làm việc ở Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng. Để có được ngày hôm nay là cả quá trình gầy dựng bền bỉ, lao động hăng say, nhiệt tình của ông Hải.
Ông Hải bắt đầu với công việc đóng tàu từ năm 1982. Lúc bấy giờ, ông theo đoàn thợ đóng tàu ở xưởng tàu Nghĩa An, góp công tạo ra hàng trăm con tàu lớn nhỏ. Ông Nghĩa tâm sự, dù trước đó ông là thợ mộc, nhưng khi tiếp xúc với công việc đóng tàu có nhiều thứ làm ông bỡ ngỡ. Những tai nạn lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên nghề này luôn đòi hỏi phải chú tâm, làm việc bằng cả trái tim. "Làm nghề mộc và nghề đóng tàu rất khác nhau.
Nghề đóng tàu đòi hỏi sự tập trung cao độ, nếu lệch dù chỉ một milimet thôi cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng chất lượng con tàu. Lúc đó với tôi, công đoạn khó nhất là làm mũi tàu. Đây là công đoạn quan trọng, phải làm tương xứng với diện tích con tàu, không được méo, móp. Nhưng với tôi, càng khó học tôi càng muốn làm cho bằng được. Khi nhìn thấy con tàu mình tạo ra hùng dũng trên biển lớn, thu đầy ắp tôm, cá thì không gì vui sướng bằng", ông Hải cười hiền nói.
Đứa con tinh thần
"Nhìn con tàu đầu tiên mình hoàn thành hạ thủy, cảm xúc lâng lâng rất khó tả, vừa mừng, vừa lo", ông Hải nhớ lại. Con tàu đầu tiên ông Hải làm chủ công có mã lực 380CV, là con tàu có công suất lớn lúc bấy giờ. Ông cùng đội thợ hoàn thành trong khoảng thời gian hơn 2 tháng. Làm quên ăn, quên ngủ, dồn hết tâm huyết vào con tàu đầu tiên, ông Hải cùng đội thợ thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin con tàu mình làm ra đã đánh bắt thuận lợi, bội thu tôm cá.
Người thợ đóng tàu cần sự tỉ mẩn và chính xác ở từng công đoạn. ẢNH: HOÀNG HÀ |
Càng về sau, thương hiệu đội thợ tàu Hải "Quýt" càng bay xa. Một năm ông Hải cùng đội thợ đóng 5 - 6 chiếc tàu. Hiện tại, ông cùng đội thợ khoảng 30 người ra vùng biển Núi Thành (Quảng Nam) hoạt động. "Tuy tuổi đã cao, nhưng còn sức khỏe, nên tôi còn gắn bó với anh em thợ để dìu dắt, làm chỗ dựa cho họ", ông Hải trải lòng.
Anh Nghĩa cũng vậy, với anh con tàu không chỉ đơn thuần là một giao dịch với khách hàng, mà đó là "đứa con tinh thần". Nhìn "đứa con" đó hùng dũng vươn ra biển lớn, anh xúc động như mới hoàn thành trách nhiệm của người cha dành cho con. Vì lẽ đó mà anh luôn cố gắng tạo ra những chiếc tàu, bằng cả tâm huyết của mình. Nhờ vậy, những năm qua, có nhiều chủ tàu luôn gắn bó với đội tàu của anh Nghĩa. Như chủ tàu Nguyễn Tấn Thiên, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) hiện đang giao cho anh Nghĩa đóng con tàu 790CV và chuẩn bị hạ thủy trong tháng 11. Đây là lần thứ ba ông Thiên tin tưởng nhờ anh Nghĩa đóng tàu.
ĐĂNG SƯƠNG