Gỗ đóng tàu khan hiếm, ngư dân gặp khó

08:09, 16/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 6 tháng nay, tình trạng thiếu gỗ đóng tàu vẫn cứ tiếp diễn, khiến ngư dân gặp khó trong việc đóng mới, sửa chữa tàu thuyền.

TIN LIÊN QUAN

Giá thành tăng cao

Ngư dân Trần Mười (45 tuổi) ở thôn Kỳ Đông, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) đang đứng ngồi không yên, khi con tàu sắp đến ngày hạ thủy, nhưng nhiều hạng mục bên trong thân tàu vẫn chưa hoàn thành. Ông Mười cho biết, con tàu của  ông đã "nằm" tại Xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Tịnh Kỳ từ tháng 4 đến giờ. "Để hoàn thành con tàu 400 CV, cần từ 80 - 100m³ gỗ. Tôi chấp nhận đóng tàu với giá thành cao, dự định ban đầu là 1 tỷ đồng, giờ đội lên hơn 1,5 tỷ, nhưng vẫn chưa tìm được nguồn gỗ", ông Mười nói. Thợ cả Lê Văn Lý (55 tuổi) ở thôn Mỹ Lợi, xã Tịnh Kỳ có thâm niên đóng tàu gần 30 năm, cho biết, đây là lần đầu tiên ông gặp tình trạng thiếu hụt gỗ nghiêm trọng như vậy.

 

Gỗ khan hiếm, đẩy giá thành lên cao, khiến ngư dân và cơ sở đóng tàu gặp khó.
Gỗ khan hiếm, đẩy giá thành lên cao, khiến ngư dân và cơ sở đóng tàu gặp khó.


Từ tháng 4 đến nay, đội đóng tàu của ông Lý chỉ mới nhận đóng hai chiếc, nhưng vì thiếu gỗ nên hai con tàu vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, đội đóng tàu của ông Lý không dám nhận thêm đơn hàng, vì hiện không đủ gỗ. "Để đóng vỏ tàu buộc phải sử dụng gỗ nhóm II như kiền kiền, sến mủ... đó là những loại gỗ có khả năng chịu nước cao. Giá thành loại gỗ này đã tăng gấp rưỡi, từ 14 triệu đồng/m³ lên 23-25 triệu đồng/m³. Để tìm nguồn gỗ, tôi chạy đủ nơi, hỏi thăm đủ doanh nghiệp, có khi phải ra ngoài tỉnh. Khan hiếm quá, chúng tôi đành sử dụng các loại gỗ thuộc nhóm III với giá thành cũng cao không kém, từ 3 triệu đồng/m³ lên 10 triệu đồng/m³", ông Lý cho biết thêm.

Không riêng gì cơ sở đóng tàu ở xã Tịnh Kỳ, mà nhiều cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó vì tình trạng này. Ông Phạm Ba ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), chủ cơ sở đóng tàu Nghĩa An cũng lo ngại về tình trạng thiếu gỗ kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến việc chậm trễ đóng mới tàu thuyền cho ngư dân đi biển. Ông Ba chia sẻ: "Giá gỗ tăng cao, đẩy giá thành đóng một con tàu cũng tăng lên. Lúc đầu chúng tôi ký hợp đồng với ngư dân một con tàu 400 CV là 1 tỷ đồng, nhưng giờ phải thỏa thuận lại gần 2 tỷ đồng. Điều này gây khó khăn cho ngư dân và cả những cơ sở đóng tàu".

Như trường hợp của ngư dân Trần Văn Hát (36 tuổi) ở thôn Phổ Trường là một điển hình. Anh Hát đang đóng một con tàu 620CV ở cơ sở đóng tàu của ông Ba, dự định sẽ hoàn thành trong tháng 9 âm lịch. Dự tính ban đầu sẽ đóng với số tiền hơn 3 tỷ rưỡi, nhưng giờ gỗ khan hiếm, giá thành gỗ tăng nên số tiền lên gần 5 tỷ đồng.

Lo ngại chất lượng

Theo các ngư dân, giá gỗ tăng cao là do từ khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh "đóng cửa rừng" và các nước lân cận như Lào, Campuchia cũng hạn chế xuất khẩu gỗ tự nhiên. Thay vào đó, để có nguồn gỗ sử dụng, ngư dân bắt buộc phải tìm mua các loại gỗ như kiền kiền, trâm, sến mũ nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia về Việt Nam  với giá thành cao, nhưng chất lượng lại không bằng so với gỗ cùng loại của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Các ngư dân và chủ cơ sở đóng tàu cho biết, một con tàu đóng từ gỗ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia hơn chục năm vẫn chưa hư hỏng, nhưng đóng gỗ nhập từ Malaysia và Indonesia thì tuổi thọ sẽ ngắn hơn.

Vì lo ngại chất lượng gỗ thấp, nên nhiều cơ sở đóng tàu không dám nhận thêm đơn hàng. Ông Lê Văn Lý chia sẻ: "Đóng một con tàu cho ngư dân với số tiền rất lớn, nếu đóng tàu với loại gỗ chất lượng thấp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tàu thuyền, lúc đó trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu sẽ rất nặng nề. Có nhiều giải pháp đưa ra như ghép các khối gỗ ngắn lại với nhau, tuy nhiên sức chịu đựng của con tàu sẽ không bền, nên chúng tôi đành chấp nhận dừng ký hợp đồng đóng tàu với ngư dân".


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.