(Báo Quảng Ngãi)- Hơn một tháng qua, hàng chục hộ dân trồng mía ở xã Bình Trung (Bình Sơn) đứng ngồi không yên, vì mía thương lái đặt cọc, nhưng không đến thu mua mía. Không thể để mía cứ “chiếm đất”, nhiều hộ đành phá bỏ, hoặc cho các chòi ép mía để lấy đất trồng cây hoa màu khác...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mía tồn đọng
Thông thường mọi năm, cứ đến khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch là toàn bộ diện tích mía trồng theo diện trái vụ để bán mía ép, sẽ được thương lái ở các nơi đến thu hoạch và đưa đi các tỉnh phía bắc tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay dù đã bước sang tháng 9 âm lịch, nhưng hàng trăm tấn mía vẫn đứng đồng, khiến người trồng mía ở Bình Trung gặp khó.
Người dân bán tháo mía để lấy đất trồng hoa màu khác. |
Bà Phạm Thị Thanh, thôn Phú Lễ 1 cho biết: "Từ hồi tháng 6 âm lịch, thương lái ở Bình Định đã ra đặt cọc thu mua toàn bộ mía cho bà con. Chúng tôi nghĩ cứ như mọi năm, nên rất yên tâm. Ai ngờ đợi mãi đến nay đã gần ba tháng, mà chẳng thấy họ mua. Giờ chúng tôi chẳng biết làm sao, coi như vụ này mất trắng!".
May mắn hơn bà Thanh, mía của chị Bùi Thị Ánh Trà được thương lái thu mua, nhưng thay vì theo giá hợp đồng là 2,2 triệu/tấn, giờ chỉ còn 1,5 triệu đồng/tấn và người trồng phải chịu toàn bộ công đốn và vận chuyển ra đường lớn. Như vậy, tính ra sau khi trừ đi các khoản chi phí, chị Trà còn lại 500 nghìn đồng/tấn. “Mấy năm trước, chỉ với 2 sào mía, nhưng vụ nào tôi cũng thu được 15 - 20 triệu đồng. Vậy mà năm nay, chỉ khoảng 5 triệu đồng, nếu trừ đi chi phí đầu tư, coi như lỗ. Biết vậy nhưng giờ phải thu hoạch để lấy đất trồng mì...”.
Không thể để công sức cả năm trời bỏ đi, nhiều hộ đã chạy vạy khắp các nơi để mời người mua mía. Tuy nhiên, việc mía tồn đọng là do thị trường chung, nên chẳng có thương lái nào mặn mà thu mua. Hơn nữa, việc trồng mía trái vụ là do người dân tự phát, chứ không phải hợp đồng với nhà máy đường, nên không thể chở đến nhà máy bán. Bán không được, để cũng không xong, nên một số hộ đành phá bỏ, hoặc cho các chòi ép mía để lấy đất tái sản xuất.
Cần có sự liên kết
Khác với những niên vụ trước, vụ mía năm nay ngoài giống mía truyền thống là QD, nhiều hộ dân ở Bình Trung đã đưa giống mía mới DK85 vào trồng. So với giống mía cũ, giống DK85 đạt năng suất hơn nhiều nhờ thân dài. Và cũng vì thân mía quá tốt, nên dễ bị ngã đổ khi gặp gió, dẫn đến chuột ăn và bị nảy mầm. Còn giống mía QD, tuy không ngã đổ, nhưng tình hình thời tiết năm nay thất thường, nên dẫn đến sâu bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.
Theo người dân Bình Trung, những năm trước với cách trồng mía trái vụ để bán cho thương lái chở đi các tỉnh làm mía ép đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trong đó, có những hộ chỉ với 700m2 đất, nhưng thu trên 22 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với hợp đồng bán cho nhà máy đường. Tuy nhiên, cách trồng trái vụ này lại không mang tính bền vững. Bởi, chỉ cần thị trường mía ép không tiêu thụ được do thời tiết, hoặc “cung vượt quá cầu” thì người nông dân không biết bán mía cho ai. Qua vụ mía này, đã là sự cảnh báo cho cách làm kinh tế theo kiểu “được chăng hay chớ”, thiếu sự liên kết của người nông dân.
Bình Trung là địa phương có lợi thế trồng mía đạt năng suất cao nhất trên toàn huyện. Do đó, để việc trồng mía bền vững, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần hướng đến quy hoạch theo vùng nguyên liệu mía; đồng thời ký kết với nhà máy đường trên tinh thần đảm bảo lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp. Có như vậy nông dân mới tránh được cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Bài, ảnh: AN NHIÊN