(Báo Quảng Ngãi)- Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, giai đoạn 2016 – 2020 đã thay đổi và bổ sung nhiều nội dung trong tiêu chí môi trường. Điều này đã khiến các địa phương gặp lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong khi các tiêu chí về hạ tầng như giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa... giai đoạn 2016 - 2020 được điều chỉnh linh hoạt hơn qua việc giao cho UBND các tỉnh tự quy định, để phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thì riêng tiêu chí môi trường lại được bổ sung thêm nhiều quy định “cứng”, áp dụng chung cho tất cả các địa phương.
Các địa phương lúng túng khi cách xác định nước sinh hoạt đạt chuẩn Bộ Y tế theo tiêu chí môi trường mới vẫn chưa được quy định rõ ràng. |
Theo đó, từ 5 tiêu chí thành phần theo bộ tiêu chí cũ, giờ tiêu chí môi trường đã được nâng lên thành 8 tiêu chí thành phần. Cụ thể là thêm 3 tiêu chí mới gồm: Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường và tỷ lệ hộ có nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo 3 sạch phải đạt trên 70%, tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm phải đạt 100%.
Đồng thời, một số tiêu chí cũng được điều chỉnh, thay đổi theo hướng tăng dần, như 95% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh và hơn 65% hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế (tiêu chí cũ là 75% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh); 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, thay vì trước đây chỉ quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường...
Những thay đổi, bổ sung kể trên, đã đặt ra cho các địa phương trên địa bàn tỉnh nhiều thách thức mới, khi hoàn thành tiêu chí môi trường. Đơn cử như tiêu chí 17.2, bắt buộc 100% cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề phải đảm bảo quy định về môi trường, là trở ngại đối với các xã ven biển trong hoàn thành tiêu chí môi trường. Bởi hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu chỉ mang tính tự phát, chưa có vùng nuôi trồng nào được quy hoạch, xây dựng hệ thống xử lý nước thải bài bản. Vậy nên, để đảm bảo 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản, tuân thủ theo những quy định về môi trường là một “bài toán khó" đối với nhiều địa phương.
Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP.Quảng Ngãi Trần Dương, tiêu chí 17.1 quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh phải đạt trên 95% và nước sạch theo quy định của Bộ Y tế phải đạt trên 65%. Nhưng lại không quy định cụ thể cách thức triển khai, thực hiện. “Để xác định nước có đạt chuẩn của Bộ Y tế hay không, sẽ phải gửi mẫu nước đi xét nghiệm với kinh phí khá cao. Vậy địa phương sẽ phải gửi mẫu xét nghiệm tất cả các giếng nước của hộ dân, hay chỉ xét nghiệm một vài giếng đại diện và kinh phí kiểm nghiệm nước sẽ do ai chi trả?”, ông Dương thắc mắc.
Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lê Văn Minh cho biết, không chỉ riêng TP.Quảng Ngãi mà thời gian qua, Trung tâm cũng nhận được rất nhiều kiến nghị của các địa phương, yêu cầu hướng dẫn thực hiện tiêu chí 17.1 liên quan đến tỷ lệ nước sạch hợp quy chuẩn. Song, do Trung ương vẫn chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào liên quan đến vấn đề này, nên đến nay, Trung tâm chưa thể giải đáp cho các địa phương. Vì vậy, ông Minh kiến nghị UBND tỉnh cần sớm ban hành quy định cụ thể hóa tiêu chí 17.1, để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Bài, ảnh: Ý THU