(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi nhu cầu người tiêu dùng sử dụng rau an toàn, bảo đảm chất lượng ngày càng tăng, nhiều người trồng rau lại cho rằng, trồng rau an toàn tốn nhiều công, chi phí tăng, giá cao khó bán, tiêu thụ chậm... Điều này khiến các mô hình rau an toàn khó nhân rộng, người trồng rau quay lại với lối canh tác cũ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quay về với kiểu trồng cũ
Là hội viên của một hợp tác xã trồng rau an toàn, từng tham gia các khóa học, tập huấn về kỹ thuật trồng rau VietGAP, tuy nhiên bên vườn cải đang thu hoạch, ông Phan Chì ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) cho hay, ông vẫn trồng rau theo kiểu truyền thống của gia đình.
Lý giải cho điều này, ông Chì cho rằng, hợp tác xã chỉ thu mua số lượng rất ít, nên ở đây chỉ có vài hộ trồng mấy luống rau theo quy trình. Còn lại chúng tôi trồng rau trên diện tích rộng, mỗi ngày thu hoạch từ 500 - 600kg, có khi lên đến cả tấn, hợp tác xã làm sao thu mua cho hết, chúng tôi phải bán ra ngoài.
Đầu ra rau an toàn khó khăn nên nhiều người trồng rau quay trở lại với lối canh tác truyền thống. |
Trong khi giá rau lên xuống thất thường theo thị trường, có lúc chỉ vài trăm đồng/kg rau. Chưa kể, lúc rau ế ẩm quá phải phá bỏ để xuống giống tiếp hoặc để đất nghỉ, nếu trồng rau theo quy trình tốn nhiều công sức, làm sao người nông dân có thu nhập.
Ông Bùi Nhật Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết, toàn xã có 279ha đất nông nghiệp, trong đó vùng quy hoạch rau an toàn 10,22ha ở thôn 6, ban đầu có 45 hộ là hội viên của hợp tác xã. Hợp tác xã không thể bao tiêu hết rau thu hoạch, nên người dân bán cho các thương lái thu mua, giá bán bằng các loại rau thường khác.
Điều này khiến người trồng rau gặp khó khăn vì chi phí và kỹ thuật trồng rau an toàn tốn nhiều hơn rau thường. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của rau VietGAP phải có nhật ký trồng rau, nhưng đa phần nông dân đã lớn tuổi, nên hạn chế trong thực hiện điều kiện này.
Còn theo bà Nguyễn Thị Anh Thư - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ rau an toàn Sông Trà cho hay, giá rau an toàn cao hơn bởi sau khi thu hoạch phải mang sơ chế, chuyển lên quầy “đẩy” giá rau lên, người tiêu dùng khó lựa chọn. Ban đầu, HTX Sông Trà đưa ra 6 quầy rau, sau một thời gian, chỉ còn lại 4 quầy hoạt động, bán ra trung bình 50kg rau/ngày/quầy.
Cung, cầu không gặp nhau
Trong khi đó, điều nghịch lý là nhu cầu người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng sản phẩm rau xanh an toàn, không tồn dư các chất hóa học từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng chính người tiêu dùng lại... “chê” khi tiếp cận với rau trồng theo quy trình VietGAP.
“Tịnh Long là xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao, trong đó cây rau là thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn xã từng có 4 mô hình rau an toàn, nhưng đều khó phát triển. Rau trồng theo kỹ thuật VietGap không được đẹp mắt, mà giá bán cao hơn so với rau ngoài chợ, nên ngày nào cũng tồn hàng”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
"Trồng rau an toàn vừa bảo đảm sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng. Nhưng trồng rau an toàn tốn nhiều công chăm sóc, nên giá bán rau an toàn phải gấp rưỡi, gấp đôi rau thường mới xứng đáng với công sức, nhưng mình muốn bán giá cao cũng không được", ông Trần Đình Vũ ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) bộc bạch. Người trồng rau an toàn mong bán được rau với giá nhỉnh hơn để bù vào công chăm sóc. Điều này lại “vênh” với người tiêu dùng muốn mua rau bảo đảm chất lượng với giá thấp.
Theo ông Nguyễn Nhanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hà, để rau an toàn đạt hiệu quả cần đảm bảo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nghĩa là phải có vùng chuyên canh rau an toàn riêng biệt, không xen lẫn với các loại rau, cây trồng khác để bảo đảm sự phát triển của cây rau.
Đồng thời khâu giám sát quy trình chăm sóc rau đến lúc thu hoạch, sơ chế kỹ càng. Đầu ra và giá cả rau an toàn phù hợp, có dán nhãn mác để phân biệt với rau thường.
Bài, ảnh: BẢO HÒA