(Báo Quảng Ngãi)- Thi công kéo dài, sau đó xin điều chỉnh vốn đầu tư công trình là thực trạng diễn ra khá phổ biến trong công tác xây dựng cơ bản (XDCB) hiện nay trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình sau khi điều chỉnh vốn tăng gấp 2 - 3 lần vốn phê duyệt ban đầu, làm ngân sách bị động. Cũng có trường hợp vì không được điều chỉnh tăng vốn, đành cắt bớt một số hạng mục của dự án (DA), gây thiệt thòi cho đối tượng được thụ hưởng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vốn công trình "phình to"
Trong danh sách đòi nợ tạm ứng vốn ngân sách trong XDCB, huyện Đức Phổ có tổng cộng 9 công trình, với số nợ cao nhất tỉnh (hơn 15 tỷ đồng-PV) kéo dài nhiều năm nay. Trong số đó, đáng chú ý là công trình hồ chứa nước Lỗ Lá và hồ chứa nước Cây Xoài đầu tư từ vốn ngân sách. Quá trình thi công hồ Lỗ Lá kéo dài đến nay 11 năm, hiện nợ tạm ứng hơn 4 tỷ đồng chưa có khối lượng hoàn trả. Công trình này khởi công từ năm 2005, với tổng vốn ban đầu khoảng 20 tỷ đồng. Sau 2 lần điều chỉnh (năm 2009 và 2012), tổng vốn công trình đã "đội" lên hơn 40 tỷ đồng.
Một góc khu tái định cư Gò Rủ (thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ) bị cắt giảm một số hạng mục do không được điều chỉnh tăng vốn. |
Công trình hồ chứa nước Cây Xoài, khởi công 2011, với tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, công trình này xin điều chỉnh vốn và được chấp thuận tăng lên hơn 60 tỷ đồng. Đến nay, mặc dù hết thời hạn thi công, nhưng công trình vẫn còn ngổn ngang. Nhà thầu thi công đã tạm ứng vốn, nhưng tiến độ chậm, chưa có khối lượng khấu trừ, UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Đức Phổ khẩn trương có biện pháp "đòi" lại số vốn tạm ứng này.
Không xin thêm được vốn, cắt bớt hạng mục
Chúng tôi về thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ) dự cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo huyện với nhân dân trong vùng. Người dân nơi đây phản ánh tình trạng cắt giảm các hạng mục khi xây dựng khu tái định cư Gò Rủ, vì thế khi đưa dân vào ở, hạ tầng không đúng với cam kết ban đầu. Ông Phạm Văn Tập, thôn Nước Giáp ý kiến: "Ban đầu huyện cam kết khu tái định cư Gò Rủ có nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, nước sạch sinh hoạt, nhưng khi di dời về ở thì khu này chỉ có mặt bằng nền nhà, không có các công trình khác. Cuộc sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn".
Vấn đề này, ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ thông tin trước cuộc họp dân thôn Nước Giáp rằng: DA tái định cư Gò Rủ triển khai năm 2014, đến 2015 hoàn thành, đưa dân về ở. Do thời gian thực hiện DA kéo quá dài, nên khi chính thức triển khai thì trượt giá, xin điều chỉnh vốn thì không được. Với số vốn được phê duyệt chỉ đủ san nền cấp cho các hộ dân. Còn các hạng mục khác như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, đành phải cắt giảm bớt. "Huyện sẽ tiếp tục thuyết phục cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh DA, bổ sung vốn để tiếp tục đầu tư các hạng mục bị cắt giảm, vì đây là các thiết chế cần thiết của khu tái định cư”.
Cần một công thức "chữa bệnh" hợp lý
Nguyên nhân xin điều chỉnh tăng vốn được các chủ đầu tư lý giải: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài, kinh phí đầu tư tăng lên và làm sai lệch các kết quả tính toán về hiệu quả của DA, dẫn đến bố trí vốn không đủ để thực hiện 100% các hạng mục công trình. Theo nguyên tắc, dự toán kinh phí đầu tư công trình xây dựng phải dựa trên đơn giá vật liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhưng những năm qua giá vật liệu biến động liên tục, trong khi đơn giá Nhà nước thường chỉ được điều chỉnh 6 tháng một lần. Sau đó các DN phải mất thêm ít nhất 6 tháng nữa để xin phê duyệt lại DA và tới khi làm xong thì giá cả đã lại thay đổi. Theo đó, có những DA phải xin duyệt giá đến 2-3 lần và mỗi lần như thế tốn không ít thời gian chờ đợi.
Bên cạnh đó, sự hời hợt khi nghiên cứu tính khả thi của DA cũng gây kéo dài thời gian và làm tăng chi phí đầu tư. Khâu này chủ đầu tư và kể cả đơn vị tư vấn thường xem nhẹ. Chính vì vậy, việc tính toán kinh phí cho nhiều DA sai ngay ở giai đoạn nghiên cứu, đến khi bước vào thi công thì bị ách lại, chờ xin bổ sung vốn. Công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu trước khi khởi công xây dựng cũng chưa được đảm bảo. Nhiều DA được khởi công, nhưng đến cả năm sau vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng. Khi có mặt bằng thì giá cả vật liệu thay đổi, lại phải tiếp tục chờ để xin điều chỉnh, phê duyệt lại kinh phí đầu tư.
Để hạn chế phát sinh chuyện "xin điều chỉnh vốn", một số DN trong ngành xây dựng cho rằng, cần làm kỹ khâu chuẩn bị đầu tư, bao gồm công tác đền bù và giải phóng mặt bằng; đồng thời tính toán kỹ lưỡng vấn đề trượt giá. Có như thế mới tránh được tình trạng công trình xây dựng bị kéo dài, đội giá, phải xin duyệt bổ sung kinh phí như lâu nay.
Bài, ảnh: THANH NHỊ