Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

04:08, 17/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với nhiệm vụ nghiên cứu thực nghiệm, chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học, phục vụ phát triển nông nghiệp, sau 3 năm đi vào hoạt động, Trại Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp (Trại nghiên cứu), thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Trung tâm) đã xây dựng được những mô hình hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Đề cao tính ứng dụng

Ông Bùi Ngọc Trúc - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Đích đến của chúng tôi là xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp ở quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện sản xuất theo hướng trang trại và hộ gia đình trong điều kiện thời tiết, khí hậu ở Quảng Ngãi để nông dân trong tỉnh học tập và làm theo”. Từ phương châm này, cán bộ Trung tâm không ngừng nghiên cứu và thực hiện thí điểm nhiều mô hình nông nghiệp quy mô lớn và đặc biệt là có tính ứng dụng cao.

  Mô hình trồng rau thủy canh tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).
Mô hình trồng rau thủy canh tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).


Đầu tiên phải kể đến mô hình “Xây dựng vườn giống cây ăn quả”. Ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), trên khuôn viên gần chục hécta là một màu xanh của những loài cây như chôm chôm java, bưởi da xanh, sầu riêng hạt lép... với số lượng lên đến hàng nghìn cây. Từ đó, cán bộ và kỹ sư đánh giá năng suất, chất lượng cây, để lựa chọn những cá thể đảm bảo làm cây đầu dòng rồi lai ghép, cho ra đời giống cây trồng chất lượng phục vụ người dân.

Ngoài việc xây dựng vườn giống cây ăn quả có chất lượng, để giữ gìn nguồn gen vật nuôi bản địa và xa hơn là có thể mang đến cho người dân một loài vật nuôi có giá trị kinh tế, trại còn nuôi dưỡng vật nuôi bản địa như lợn kiềng sắt và gà re. Kỹ sư và cán bộ của trại còn tiến hành khảo nghiệm cả những mô hình vật nuôi mới ở địa phương khác, như mô hình “Nuôi yến trong nhà thấp tầng ở khu vực nông thôn”..

Khẳng định hiệu quả

Đến nay, sau ba năm thực hiện khảo nghiệm, vườn giống cây ăn quả sinh trưởng tốt; trong đó, cây chôm chôm java đã bắt đầu cho trái bói chất lượng. Đối với mô hình nuôi heo kiềng sắt, từ 50 con giống ban đầu, đến nay trung bình hằng năm, Trại Nghiên cứu xuất bán 500 con heo giống và 200 con heo thịt, với giá bán 150.000 đồng/kg thịt heo giống và 110.000 đồng/kg thịt thương phẩm. Heo kiềng sắt xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, từng bước xây dựng Thương hiệu heo kiềng sắt của Quảng Ngãi.

Không phải đầu tư xây dựng nhà cao tầng với kinh phí lớn, mô hình “Nuôi yến trong nhà thấp tầng ở nông thôn” được Trại Nghiên cứu thực hiện nuôi thí điểm với căn nhà có diện tích hơn 150m2  và cao hơn 3,5m, đến nay trung bình đạt 300 tổ yến/năm. Với tốc độ nhân đàn 2,5- 3 lần/năm như hiện nay, nhà thấp tầng tại Quảng Ngãi có thể nuôi yến, nếu đảm bảo không gian xung quanh thuận lợi cho đường chim bay.

Đối với các mô hình mới xây dựng trong vòng một năm trở lại đây như sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu thì ngoài các loại nấm sò, nấm linh chi, Trại Nghiên cứu đang tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để sản xuất các loại nấm như mộc nhĩ, đùi gà, lim xanh, đầu khỉ...

“Bảo tồn cái cũ, du nhập và phát triển cái mới dựa trên việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để đảm bảo mục tiêu chung là mang đến cho ngành nông nghiệp Quảng Ngãi những cây, con giống, vật nuôi có khả năng sản xuất ở quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện nông hóa, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu địa phương. Đối với những mô hình thành công, Trung tâm sẵn sàng đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho nông dân”, ông Bùi Ngọc Trúc nói.


Bài, ảnh: THU HIỀN


 


.