Phát triển nông nghiệp ở đô thị: Người dân cần được định hướng

09:04, 02/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tiến trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần. Sau khi bị thu hồi đất, nhiều nông dân, nhất là nông dân lớn tuổi, có trình độ thấp rất khó có thể chuyển đổi sang ngành nghề khác. Vì vậy, việc quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp giúp ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.

Làm nông giữa phố

 Mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế phù hợp trên diện tích nhỏ, bà Khương Thị Đông, tổ 12, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã có nguồn thu nhập ổn định từ nông nghiệp, dù đang sống ngay giữa lòng thành phố. Nói về mô hình trồng hoa, cây kiểng của mình, bà Đông hào hứng cho biết: “Ở phố mình khó có thể nuôi heo, bò vì sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ khác. Còn trồng các loại hoa màu thì cần phải có diện tích lớn. Vì vậy, tôi làm nhà lưới để trồng phong lan cùng các loại hoa kiểng khác, bởi nghề này nhẹ nhàng, lại chỉ cần một khoảnh đất nhỏ là có thể sản xuất”.

 

Lựa chọn vật nuôi không phù hợp khiến nhiều nông dân chật vật tìm cỏ giữa lòng TP. Quảng Ngãi.                                                   Ảnh: Ý THU
Lựa chọn vật nuôi không phù hợp khiến nhiều nông dân chật vật tìm cỏ giữa lòng TP. Quảng Ngãi. Ảnh: Ý THU


Chừng 10 năm gắn bó với nghề trồng hoa kiểng, từ người chưa có chút “vốn liếng” kiến thức nào về hoa, cây cảnh, đến nay, bà Đông đã phát triển được vườn phong lan 1.000 chậu và hơn 1.000 chậu hồng, trạng nguyên, cẩm tú cầu… Hai năm nay, bình quân mỗi dịp Tết Nguyên đán, bà Đông bán được hơn 800 chậu hoa phong lan các loại, với giá từ 100 nghìn đến 2 triệu đồng.  

Chẳng những mang về thu nhập, vườn hoa của bà Đông còn trở thành địa chỉ lý thú cho nhiều người đến tham quan. Sau khi được sự gợi ý của những người đến thưởng hoa, bà Đông mạnh dạn mở luôn quán cà phê sân vườn. Các sản phẩm từ nông nghiệp lúc này, lại giúp bà Đông “thu hút” khách. Bởi giữa đô thị ồn ào, đông đúc, góc vườn của bà Đông trở thành địa chỉ lý tưởng cho những người muốn tìm về với thiên nhiên.
 

Nhìn sang tỉnh bạn
Năm 2015, tổng diện tích sử dụng cho phát triển nông nghiệp đô thị của tỉnh Bình Dương khoảng 113ha. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao được các gia đình ở một tỉnh có công nghiệp và đô thị phát triển mạnh như Bình Dương lựa chọn chủ yếu là trồng lan Mokara, trồng rau trong nhà lưới, nuôi lươn không bùn… vừa không ô nhiễm môi trường, vừa không đòi hỏi diện tích đất lớn.
 

Không định hướng được cây trồng phù hợp như bà Đông, bà Phạm Thị Hương, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) thì đang loay hoay không biết phải làm gì để sinh nhai. “Sau khi giải phóng mặt bằng để xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tôi chuyển về khu tái định cư mới. Trước đây, khi còn đất nông nghiệp thì tôi trồng lúa. Còn giờ về chỗ mới, đành tranh thủ những lô đất người ta chưa xây nhà để trồng sả, trồng nghệ”. Ngoài trồng “tạm” các loại cây trên, bà Hương còn nuôi bò vỗ béo. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bà Hương xây hầm biogas. Tuy nhiên, cách làm trên chỉ là tạm thời, bởi theo bà Hương, mùi hôi thối chỉ có thể giảm thiểu, chứ không mất hẳn. Vì vậy, mô hình nuôi bò của bà rất khó có thể duy trì giữa lòng thành phố.

Người dân cần sự định hướng

Hiện nay, ngoài đô thị trung tâm cấp vùng là TP.Quảng Ngãi, Dung Quất và đô thị cấp tỉnh gồm Đức Phổ, Di Lăng, tỉnh còn có những đô thị trung tâm cấp huyện và đô thị thuộc huyện như Châu Ổ (Bình Sơn), Sông Vệ (Tư Nghĩa), Thạch Trụ (Mộ Đức)… Năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh phấn đấu đạt 20%. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ bị giảm trên tổng thể và cả bình quân đầu người. Bên cạnh những nông dân chuyển đổi được ngành nghề sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thì vẫn còn nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi bị thu hồi một phần tư liệu sản xuất phục vụ đô thị hóa, nhất là những nông dân lớn tuổi.  Vì vậy, việc định hướng cho người dân phát triển được nông nghiệp đô thị, là một kế sách cần thiết.

Những mô hình đòi hỏi diện tích nhỏ như hoa, cây cảnh sẽ là hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp đô thị.                                                                                                                                                  Ảnh: Ý THU
Những mô hình đòi hỏi diện tích nhỏ như hoa, cây cảnh sẽ là hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp đô thị. Ảnh: Ý THU


Ông Võ Thanh Thủy - Phó Ban Khoa học Công nghệ - tư vấn và phản biện (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh) đề xuất: “Việc định hướng, phát triển nông nghiệp đô thị là việc làm rất cần thiết để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Với diện tích đất nhỏ, cư dân sống ở đô thị có thể phát triển sản xuất các loại hoa cao cấp, sinh vật cảnh bởi nhu cầu mặt bằng sản xuất ít”. Cũng theo kỹ sư Thủy, để có thể phát triển hiệu quả nông nghiệp đô thị, người sản xuất nên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm sử dụng lao động, tránh ô nhiễm môi trường.
 

Ý THU- T.THỦY

 


.