(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Nhờ đó, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho tỉnh và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Diện mạo mới của đô thị
Thành phố Quảng Ngãi trở thành đô thị loại II (năm 2015) là một minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc về hạ tầng đô thị của tỉnh trong những năm gần đây.
Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết: Kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội của thành phố đã và đang được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang đồng bộ theo hướng hiện đại, để hướng đến một thành phố năng động và thân thiện, một đô thị phát triển bền vững. Đặc biệt, thành phố luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh để đầu tư hệ thống giao thông, mà điểm nhấn là hai tuyến đường bờ bắc và bờ nam sông Trà Khúc.
Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đã đầu tư đưa vào sử dụng 34 tuyến đường, với tổng chiều dài 46,54km; xây dựng 404 tuyến đường giao thông nông thôn, hẻm phố với tổng chiều dài 120,5km; hàng chục đường dây trung áp, hạ áp và dây cấp điện cho các khu dân cư; 188 tuyến điện chiếu sáng các đường hẻm, thôn với chiều dài gần 70km; 22km đường ống cấp nước cho các khu dân cư...
Cùng với TP.Quảng Ngãi, kết cấu hạ tầng đô thị ở các huyện cũng được tập trung đầu tư xây dựng. Nhờ sự đầu tư ấy, nên đến nay, thị trấn Đức Phổ mở rộng được công nhận là đô thị loại IV. Thị trấn Ba Tơ, trung tâm huyện lỵ Minh Long, trung tâm huyện lỵ Lý Sơn, đô thị Vạn Tường được công nhận là đô thị loại V. Các thị trấn: Di Lăng, Châu Ổ, Sông Vệ, La Hà, Mộ Đức, Trà Xuân, Chợ Chùa đạt tiêu chí đô thị loại V...
Hạ tầng giao thông phát triển mạnh
Cùng với phát triển hạ tầng đô thị, trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông của tỉnh ta đã có sự phát triển mạnh mẽ. Điển hình là đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng gần 80km Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh (đang triển khai thực hiện đoạn Dốc Sỏi - VSIP với chiều dài trên 17km). Cơ bản hoàn thành đầu tư mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Km0 - Km8 và đang được mở rộng đoạn Km8 - Km32 với quy mô đường cấp III miền núi (2 làn xe cơ giới).
Một góc đô thị loại II- TP. Quảng Ngãi hôm nay. |
Riêng dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang được Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng. Tuyến đường này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Quảng Ngãi – Đà Nẵng (bằng ô tô) xuống còn khoảng 80 phút, so với trước đây phải mất từ 2,5 – 3 giờ; đồng thời kết nối với một số tuyến đường tỉnh, nhất là tuyến Trì Bình – cảng Dung Quất, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong giai đoạn 2012 – 2015, toàn tỉnh đã huy động, bố trí trên 20.950 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh phân bổ 11.263 tỷ đồng, các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh gần 6.370 tỷ đồng, vốn khác gần 3.320 tỷ đồng. |
Còn đối với các tuyến đường tỉnh, đã hoàn thành đưa vào sử dụng đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (thuộc dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh); nâng cấp đường ĐT.623B đoạn Quảng Ngãi - Thạch Nham và ĐT.623 (Sơn Hà - Sơn Tây). Hiện đang đẩy nhanh tiến độ đường bờ nam sông Trà Khúc; ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đoạn Dung Quất - Mỹ Khê; tuyến Dung Quất - Bình Long (nay là Quốc lộ 24C); đường Long Môn - Sơn Kỳ, Trì Bình - Dung Quất...
Bên cạnh đó đã đầu tư nhựa hóa, cứng hóa hơn 576km đường huyện, 612km đường xã. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường huyện đạt 64,9%, đường xã 51,6%... Riêng với hệ thống bến cảng, sân bay, tỉnh ta đã hoàn thành đưa vào sử dụng dự án nâng cấp cảng Sa Kỳ; triển khai đầu tư xây dựng cảng Bến Đình (Lý Sơn). Phối hợp với tỉnh Quảng Nam kêu gọi hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar mở đường bay Chu Lai đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Buôn Ma Thuột và ngược lại...
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn đạt thấp (chỉ đạt trên 17%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 35%). Công tác lập và quản lý quy hoạch còn chậm, chất lượng chưa cao. Cảnh quan, kiến trúc không gian một số đô thị còn mang tính tự phát, manh mún, chưa tạo được nét đặc trưng riêng cho từng đô thị. Các tiện ích đô thị còn thiếu, nhất là không gian công cộng, vui chơi giải trí, vấn đề nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Còn với hạ tầng giao thông, sự kết nối của tỉnh ta với các khu vực trọng điểm của đất nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... còn hết sức khó khăn. Hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm TP. Quảng Ngãi đi các huyện miền núi, hải đảo cũng còn nhiều hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế nói trên cần có những giải pháp căn cơ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: PHẠM DANH