(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Song, tình trạng DN giải thể, tạm dừng hoạt động trong những tháng đầu năm 2016 vẫn tăng cao.
TIN LIÊN QUAN
Những con số báo động
Quý I/2016, toàn tỉnh có 165 DN đăng ký thành lập mới, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng DN chưa thể hiện sự khởi sắc của hoạt động thu hút đầu tư, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, con số DN giải thể, tạm dừng hoạt động lại tăng quá cao. Thậm chí, có thời điểm số DN rơi vào tình trạng giải thể, tạm dừng hoạt động tương đương với số DN thành lập mới. Đơn cử như tháng 1.2016, toàn tỉnh có 61 DN đăng ký thành lập mới, nhưng cũng trong tháng này có tới 59 DN tạm ngừng hoạt động, giải thể tự nguyện.
Nhà máy Bio Ethannol Dung Quất, vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng hiện đã tạm ngừng hoạt động |
Con số DN ngừng kinh doanh, giải thể tại Quảng Ngãi cao hơn nhiều so với trung bình cả nước. "Những DN tạm ngừng hoạt động, giải thể chủ yếu là DN nhỏ, ít vốn và thuộc các ngành nghề phải cạnh tranh gay gắt như xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ", ông Võ Trọng Khai - Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT nhận định.
Trong số DN tạm ngừng hoạt động ở Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay, có cả những DN lớn như Nhà máy Bio Ethannol Dung Quất, vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Sau một thời gian sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, nhà máy phải đóng cửa. Theo thông tin từ các ngân hàng có quan hệ tín dụng với Bio Ethanol Dung Quất, hiện tại nhà máy có dư nợ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó năm 2016 dư nợ phải trả nợ gốc lên đến 100 tỷ. Đó là chưa kể khoản lãi mà DN này phải trả mỗi năm 70 tỷ cho các ngân hàng.
Nguyên nhân giải thể, ngừng hoạt động ngoài thiếu vốn, DN còn thiếu thị trường, kinh doanh không có lãi, thậm chí là thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, chi phí quản lý và các khoản chi khác ngày một tăng cao. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp - DN Vận tải Thiên Đức 1 (TP. Quảng Ngãi): Chi phí tài chính như lãi suất ngân hàng, các nghĩa vụ thuế; lương công nhân, bảo hiểm đều tăng trong khi thị trường thu hẹp, lợi nhuận ngày càng ít ỏi, thậm chí thua lỗ. DN phải ngừng hoạt động là ngoài ý muốn.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Hiện tại DN trong tỉnh đang phải "cõng" nhiều chi phí đang tăng như phí cầu đường, thuế, chi phí sản xuất, vận chuyển... DN cũng đang lo ngại bắt đầu từ ngày 1.5.2016, khi lương cơ bản tăng sẽ dẫn đến tình trạng "té nước theo mưa", nhiều khoản chi phí khác sẽ vì thế tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và DN. Một số DN sản xuất, kinh doanh các ngành hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu cũng đang lo ngại phải cạnh tranh với sức ép của hàng nhập khẩu giá rẻ. "Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ sức để cạnh tranh về giá cả, chất lượng... chắc chắn DN sẽ gặp nhiều khó khăn khi gia nhập TPP", ông Trần Phước Hiền - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định.
Dù kinh tế trong tỉnh, trong nước đang phục hồi, nhưng "sức khỏe" của nhiều DN xem ra vẫn chưa thực sự hồi phục. Cộng đồng DN của Quảng Ngãi vẫn rất cần được quan tâm, hỗ trợ, để hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh thêm thuận lợi. Đó cũng là tiền đề quan trọng để DN tăng sức cạnh tranh, tận dụng cơ hội của hội nhập để phát triển.
Bài, ảnh: THANH NHỊ