(Báo Quảng Ngãi)- Trái với nỗi buồn thất thu, mất mùa, hai giống lúa thuần “Made in Quảng Ngãi” là ĐH815-6 và ĐH99-81 lại được mùa, mang niềm vui lớn đến với nhiều nông dân trong tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giống ĐH815-6 và ĐH99-81 do Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh nghiên cứu chọn tạo. Với lợi thế “sinh” ra tại Quảng Ngãi, chịu lạnh tốt, kháng bệnh cao, năng suất từ 70- 80 tạ/ha, cộng với chất lượng gạo được ưa chuộng... nên những năm gần đây, nông dân trong tỉnh rất chú ý đến hai giống lúa này.
Những ưu điểm vượt trội
Những ngày này, tại cánh đồng các xã Phổ An, Phổ Văn, Phổ Thuận (Đức Phổ), bà con nông dân nức lòng vì giống ĐH815-6 cho năng suất 65 đến 70 tạ/ha. Không những thế, ngay khi gặt xong, thương lái đến tận ruộng đặt mua lúa tươi nên nông dân rất phấn khởi. “Giống ĐH815-6 dễ làm, dễ bán, mà lại chắc hạt nên năm nào tôi cũng sạ ba sào, thu về vài triệu đồng chi tiêu”, ông Nguyễn Tài, ngụ thôn Đông Quang, xã Phổ Văn cho hay. Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cũng bảo: “Ở đây bà con làm giống ĐH99-81 được mùa đều vui như tết”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra việc sản xuất giống tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi. |
Theo chia sẻ của ông Đức, giống ĐH99-81 “dễ tính” mà năng suất cao, gạo trong nên nhiều năm nay xã viên trong HTX đã lựa chọn gieo sạ với diện tích lên đến trên 50ha. Đặc biệt, là trong vụ đông xuân năm nay, dù thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hoành hành... nhưng hai giống trên vẫn “sống khỏe”, năng suất đạt đến 70 tạ/ha nên bà con rất phấn khởi. “Vụ hè thu này, chúng tôi kiến nghị huyện cho phép đưa ĐH99-81 vào hàng giống chủ lực”, ông Đức cho hay.
Năm 2012, giống lúa ĐH815-6 và ĐH99-81 đã được Bộ NN&PTNT cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ và có giá trị trong vòng 20 năm. Ngoài ra, tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VIII, năm 2012, hai giống ĐH815-6 và ĐH99-81 đã đạt giải Nhì. |
Còn tại “vựa lúa” Mộ Đức, trong khi phần lớn nông dân kém vui vì năng suất lúa đông xuân năm nay sụt giảm đến 8 tạ/ha thì những hộ gieo sạ giống ĐH815-6 và ĐH99-81 lại khấp khởi mừng. “Lúa trổ gặp lạnh, tôi lo nó “nín”. Ai ngờ bây giờ lúa trĩu hạt, nhìn thiệt sướng mắt”, vừa nói, ông Đinh Đình Cương, thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) vừa chất lúa lên xe. Gặp ai, ông cũng cười vui.
Quả thật, trong khi nhiều giống lúa khác bị “ngơ” khi trổ gặp lạnh, lại nhiễm đạo ôn nặng khiến năng suất có nơi giảm đến 70%, thì ĐH815-6 và ĐH99-81 vẫn thoát cổ bông, ít sâu bệnh, tỷ lệ lem lép hạt rất thấp, năng suất vì thế đạt cao. Theo ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, qua vụ đông xuân vừa rồi ngành chuyên môn sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn, khách quan hơn đối với các giống trong và ngoài cơ cấu. Bởi, không phải cứ giống du nhập nào cũng tốt. Ngay như hai giống ĐH815-6 và ĐH99-81, dù "kín tiếng" nhưng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết và sâu bệnh rất tốt, hơn hẳn nhiều loại giống “có tiếng” khác.
Khát vọng thương hiệu "Giống lúa Quảng Ngãi”
Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi chọn tạo, tổ chức sản xuất thử nghiệm hai giống lúa thuần ĐH815-6 và ĐH99-81 từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này ĐH815-6 và ĐH99-81 cơ bản đáp ứng yêu cầu của giống lúa sản xuất đại trà về các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật. Ngoài những đặc tính ưu việt như ngắn ngày, chịu lạnh, cứng cây, sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh sớm, phổ thích ứng rộng, dễ thâm canh, kháng bệnh tốt, gạo trong, năng suất cao, phù hợp với cả hai vụ đông xuân và hè thu... thì ĐH815-6 và ĐH99-81 còn được bà con nông dân dành nhiều thiện cảm vì nó thuộc diện "dễ tính" và lúa bán với giá cao.
Nông dân xã Phổ Văn (Đức Phổ) phấn khởi vì giống ĐH815-6 được mùa. |
Với những đặc tính trên, theo ông Trương Văn Trung, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp là “rất hợp ý nông dân”. Bởi thực tế, phần lớn chân ruộng ở Quảng Ngãi thuộc diện đất xấu, bạc màu hoặc nhiễm phèn; trong khi nông dân không phải ai cũng nắm vững quy trình, kỹ thuật sản xuất, đặc biệt là đối với những loại giống mới chất lượng. Song, vì giống ĐH815-6 và ĐH99-81 chưa được đưa vào cơ cấu sản xuất chủ lực của tỉnh nên nông dân rất khó tiếp cận. Theo ông Nguyễn Văn Nam- chủ đại lý giống Hà Nam ở xã Phổ Văn thì vụ sản xuất nào nông dân cũng hỏi mua lúa giống ĐH815-6 và ĐH99-81, nhưng vì nó chưa có “giấy thông hành” nên ông cũng không thể hợp đồng với đơn vị sản xuất để phân phối.
Tháo gỡ những vướng mắc trên, cùng với việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận, ông Đoàn Văn Nhân - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh còn đề nghị Sở NN&PTNT cần quan tâm, tạo điều kiện đưa giống ĐH815-6 và ĐH99-81 vào cơ cấu sản xuất của tỉnh.
Cùng với ĐH815-6 và ĐH99-81, trong những năm qua, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi cũng đã nghiên cứu, lai tạo và thử nghiệm hàng loạt giống lúa thuần chất lượng như ĐH237, ĐH210, ĐH191, ĐH15-1, ĐH500, ĐH11, ĐH13 và ĐH6-1. Và ngay vụ đông xuân vừa rồi, các giống trên cũng đã “thử lửa” với thời tiết khắc nghiệt và không hề thua kém ĐH815-6 và ĐH99-81. Các giống lúa đưa vào thử nghiệm cũng đã thể hiện ưu điểm vượt trội khi cho năng suất bình quân từ 61 đến 69 tạ/ha, cao hơn các giống đối chứng từ 4,6 đến 26,4%. Riêng giống ĐH500, ĐH13 và ĐH6-1 còn thêm ưu điểm là chất lượng gạo ngon, cơm mềm và thơm. Hy vọng, với những ưu thế riêng của mình, ĐH815-6 và ĐH99-81 nói riêng, dòng giống ĐH “Made in Quảng Ngãi” nói chung sẽ có cơ hội đồng hành cùng nhà nông để mang lại niềm vui được mùa cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh.
Sau khi đi kiểm tra thực tế sản xuất vụ lúa đông xuân vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu: “Khi cơ cấu giống, Sở NN&PTNT cần ưu tiên những loại chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của nông dân trong tỉnh. Do đó, với những giống lúa thuần chất lượng mà có nguồn gốc tại Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT cần xem xét, quan tâm đưa vào cơ cấu để đơn vị sản xuất đủ điều kiện hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận. Bởi, nếu những giống Quảng Ngãi được công nhận sẽ giúp ngành nông nghiệp chủ động nguồn giống, còn nông dân sẽ được tiếp cận giống đạt chất lượng với giá thành hợp lý. Đây cũng là mục tiêu mà Dự án Hỗ trợ phát triển giống lúa thuần mới chất lượng cao trên địa bàn tỉnh hướng đến”. |
Bài, ảnh: MỸ HOA