(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nông dân Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, nhất là các nhóm hàng xuất khẩu. Vì vậy, tìm hướng tiêu thụ nông sản ổn định là vấn đề “nóng” đang đặt ra đối với các cấp, ngành và người sản xuất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để ngành nông nghiệp phát triển, một trong những chủ trương của tỉnh là tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi tích cực và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Hiếm hoi lắm mới có xe ô tô tải mua dưa cập bến các điểm bán dưa. |
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn hàng hóa từ nhóm ngành nông nghiệp đang gặp khó ở khâu đầu ra. Trong đó, có thể thấy rõ nhất đó là những ngày qua hàng trăm nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh đang rơi vào cảnh khó khăn khi mà giá dưa xuống thấp mà vẫn không tiêu thụ được. Dưa từ chỗ có thể bội thu khi đầu vụ thời tiết thuận lợi dưa sai quả cũng như giá khá cao, có lúc lên đến hơn 5 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, dưa chỉ được giá khoảng 2 tuần cuối tháng 3, còn hơn một tuần nay nhiều nông dân đang khóc ròng, khi mà giá dưa đang “rơi tự do”.
Nhiều nông dân trồng dưa cho biết, dù đã có kinh nghiệm trồng cũng như buôn bán dưa, nhưng họ không thể chủ động được giá và thị trường tiêu thụ.
Không chỉ dưa hấu mà nhiều nông, lâm, thủy sản khác như dăm gỗ, tôm, cua, lươn hay mía, mì… người dân đều rơi vào thế bị động về giá cả dù là hàng tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu. Việc đưa các phương pháp làm ăn mới và các chính sách hỗ trợ nhằm từng bước kích cầu ngành nông nghiệp phát triển cũng như đảm bảo cuộc sống của người dân là điều cần thiết. Tuy nhiên, cái mà người nông dân mong muốn nhất lúc này, đó là sự ổn định về thị trường và giá cả.
Theo ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhóm hàng hóa nông sản như dưa hấu không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp mà hầu hết là do người dân trồng tự phát. Do đó, người trồng dưa phải liên kết với nhau tìm đầu ra trước khi trồng. Bởi lâu nay người dân thường trồng theo phong trào. Khi bắt đầu mùa vụ chưa tìm được đầu ra mà xuống giống chẳng khác nào làm ăn theo kiểu “cá cược”. Vì vậy, điệp khúc “được mùa mất giá...” vẫn tái diễn liên tục.
Theo các chuyên gia, nông sản luôn trong thế bị động về thị trường và giá cả vì người dân hiện nay làm ăn nhỏ lẻ, thiếu quy mô. Trong đó, việc mua bán, trao đổi với đối tác hầu hết là giao dịch bằng miệng, tức là mua bán qua đường tiểu ngạch. Chính việc này dẫn đến giữa hai bên không có sự ràng buộc nào về pháp lý. Nhiều khi nông sản vào chính vụ thì thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc bỗng dưng “không ăn hàng”. Khi đó hàng nghìn tấn hàng hóa (như dưa hấu) đang được vận chuyển về cửa khẩu buộc phải nằm đường. Còn sản phẩm tại các chân ruộng thì không một thương lái nào bén mảng đến. Thậm chí có thương lái dù đã đặt tiền cọc nhưng cũng bỏ, khiến nông dân rơi vào thế bị động về đầu ra.
Dưa hấu chất đống nhưng thương lái không thèm đoái hoài. |
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, đặc biệt là phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay thì chúng ta cần có những chính sách nâng tầm sản phẩm hàng hóa cũng như có đầu mối đứng ra tiêu thụ. Khi đó người nông dân mới có thể thoát nghèo từ nông nghiệp. Còn không, một bộ phận lớn nông dân sẽ chỉ đủ ăn khi họ còn bị động như lâu nay.
Ngoài ra, với giới thương lái cũng cần phải có phương án, kế hoạch làm ăn, không nên đẩy giá hàng hóa lên cao rồi sau đó không thể bán được dẫn đến nông sản mới xuất được một ít thì bí đầu ra. Cách làm ăn chụp giật của thương lái cũng là nguyên nhân chính gây nhiễu loạn thị trường trong nước, khi họ mua hàng nhưng lại chưa tìm ra đối tác cụ thể... Vì vậy cũng cần tính toán chi tiết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thành một chuỗi khép kín.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC