Thị trường nông sản ở Lý Sơn: Lên, xuống như thủy triều

08:06, 28/06/2013
.

(QNg)- Hàng ngàn hộ nông dân trên đảo Lý Sơn dẫu được mùa nhưng nhiều khi vẫn thua lỗ bởi việc tiêu thụ nông sản luôn đối diện với nhiều khó khăn, thiệt thòi. Chuyện tìm đầu ra cho nông sản ở Lý Sơn dường như nông dân vẫn tự “bơi” là chính…
 

TIN LIÊN QUAN


* Điệp khúc “được mùa mất giá”

Cùng đi chung trên chuyến tàu khách cao tốc từ Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn, chúng tôi đã gặp mẹ con chị Bùi Thị Hồng, ở thôn Đông, xã An Hải trở về đảo mang theo hàng trăm lít dầu phụng. Chị Hồng cho biết: "Thu hoạch đậu phụng nhưng nếu bán cho tư thương ở đảo thì giá quá rẻ. Mẹ con tôi đành chịu cực bỏ công chở đậu phụng vào đất liền ép thành dầu rồi mang về đảo bán. Tuy cực nhưng đỡ “tổn” hơn là bán đậu củ cho tư thương".

 

 Nhọc nhằn vận chuyển nông sản từ đảo Bé về đảo Lớn tiêu thụ.
Nhọc nhằn vận chuyển nông sản từ đảo Bé về đảo Lớn tiêu thụ.


Thế nhưng chẳng mấy phụ nữ có thời gian và cả có… sức khỏe để vượt biển chở đậu phụng vào đất liền ép thành dầu rồi mang về đảo bán như mẹ con chị Hồng  theo kiểu “thu tận ngọn, bán tận gốc”. Chị Hồng bảo, ở hòn đảo này làm ra đậu, bắp cực nhọc nhiều so đất liền, nhưng bán thì giá lại rẻ hơn. Năm nào cũng vậy, hễ được mùa thì giá bán lại thấp; còn mất mùa thì giá bán đỡ hơn nhưng sản lượng ít thì đằng nào nông dân cũng chịu thua thiệt.

Ví như vụ dưa hấu năm nay, giá bán đầu mùa tới 8.000 đồng/kg nhưng dưa chẳng có trái lấy đâu mà bán. “Nhiều đám chỉ toàn dây là dây chẳng thấy trái đâu. Trời nắng hạn hơn mọi năm. Chi phí nhân công, phân bón tốn nhiều hơn mà sản lượng lại sụt giảm đáng kể. Người trồng dưa lỗ nặng !” – lão nông Bùi Hội, thôn Đông, xã An Hải cho biết. Còn vụ dưa năm trước, dưa đạt sản lượng cao nhưng giá bán ở thời điểm chính vụ chỉ khoảng 1.000 đồng – 2.000 đồng/kg, tính ra không đủ tiền mua giống, phân bón và mua dầu chạy nước tưới cho dưa.

Đối với cây hành, tỏi, năm nay nhìn chung giá cả có phần ổn định hơn mọi năm. Nhưng đã thành “lệ”, đầu mùa giá bán cao, nhưng vào chính vụ giá “rớt” thê thảm. Giá tỏi đầu mùa vào khoảng 65.000 đồng/kg nhưng giữa vụ do tỏi “trúng” quá nên giá chỉ còn khoảng 35.000 đồng – 50.000 đồng/kg. Đã vậy nông dân đảo Lý Sơn hiện nay còn phải đối mặt với nạn tỏi nơi khác nhập ồ ạt về đảo bán “phá giá”. Đối với dưa hấu hiện cũng đã xuất hiện tình trạng “nhập” dưa nơi khác về đảo để trà trộn với dưa đặc sản trồng trên đảo Lý Sơn để tiêu thụ. Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” đã gây tổn thất đáng kể cho nông dân Lý Sơn trong việc tiêu thụ tỏi cũng như dưa hấu.

* Nông sản “vượt” biển

Nông dân đảo Bé – xã đảo An Bình vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất ở đảo Lý Sơn. Mỗi năm sản xuất chỉ một vụ hành tỏi, đậu phụng, đậu xanh nhưng do giao thông cách trở nên giá bán bao giờ cũng thấp hơn mặt hàng cùng loại ở đảo Lớn. Bình quân giá bán có thể thấp hơn từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg hành, tỏi, đậu phụng so với giá ở đảo Lớn. Bởi vì tư thương còn phải tính đến chi phí thuê tàu vận chuyển hàng từ đảo Bé về đảo Lớn.

Tư thương là những người nắm bắt giá cả, thậm chí là “làm giá” trên thị trường nên giá nông sản thường “nhảy múa” liên tục. Trong khi đó, nông sản làm ra ở đảo Lý Sơn lại ít có cơ hội tiêu thụ tại chỗ thông qua doanh nghiệp có năng lực. Cả đảo Lý Sơn hiện không có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, thậm chí là cũng chẳng có cơ sở ép dầu phụng, dầu mè – hai mặt hàng nông sản có sản lượng tương đối lớn ở Lý Sơn. Vì thế mà người tiêu dùng ở hòn đảo này thường phải chịu cảnh “bán rẻ, mua đắt” đối với mặt hàng nông sản hay sản phẩm nông sản chế biến bởi phải “gánh” thêm chi phí vận chuyển.

Năm 2011, Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi đã xây dựng Cửa hàng lương thực Lý Sơn. Ngoài chức năng dự trữ gạo cho hơn 22.000 cư dân đảo, cửa hàng này còn là đầu mối thu mua nông sản của nông dân. Thế nhưng từ khi khánh thành đi vào hoạt động đến nay, vai trò là “đầu mối” ấy vẫn chưa được hiện thực hóa. Nông sản mà nông dân làm ra vẫn phải bán giá rẻ, trong khi vật tư nông nghiệp luôn phải mua với giá đắt hơn so với đất liền.

* Tìm giải pháp bền vững  

Năm 2013, dự đoán thị trường nông sản nói chung sẽ còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm, nên chắc chắn nông dân Quảng Ngãi sẽ phải chịu rủi ro và trên hết là nông dân Lý Sơn sẽ phải gánh không ít thiệt thòi. Ngoài việc giá cả biến động lên, xuống thất thường, thì tình trạng biến đổi khí hậu tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp trên đất đảo sẽ rất rõ. Trong khí đó, năng lực chế biến nông sản tại chỗ ở đây là gần như “trắng”, sản phẩm làm ra hoàn toàn phải “xuất thô” ra thị trường.

Hiện tại, việc tiêu thụ nông sản ở Lý Sơn vẫn do nông dân tự “bơi”. Sự cách trở về giao thông, dẫn đến thông tin giá cả không kịp thời đã khiến nông dân Lý Sơn rơi vào tình trạng bị tư thương ép giá. Nông sản thu hoạch không bán được, nông dân không có tiền để đầu tư cho mùa vụ tiếp theo. Đồng thời, hàng nông sản “ứ” lại chưa có biện pháp bảo quản, dẫn đến mất phẩm chất, giá bán lại càng thấp hơn. “Nông dân Lý Sơn mong muốn ngành chức năng của tỉnh quan tâm đến vấn đề đầu ra cho nông sản. Ngoài xây dựng cơ sở chế biến tại chỗ, tổ chức thu mua nông sản tận ruộng cho nông dân thì cần hỗ trợ thêm về biện pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch, hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ, thị trường vốn để tái đầu tư” – ông Ngô Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn cho biết.

Bài, ảnh: THANH NHỊ   

 


.