Ngành chế biến thủy sản cần được trợ lực

05:03, 07/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có nhưng phần lớn vẫn còn chế biến theo kiểu thủ công, nên ngành chế biến thủy sản tỉnh nhà vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế, việc đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm có giá trị cao vào lĩnh vực này đang cần sự ưu tiên hàng đầu của các ngành chức năng.
 

TIN LIÊN QUAN


Nhẹ “gánh” nhân công nhờ công nghệ

Làng chả cá Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) vốn nổi tiếng với nghề làm chả cá từ lâu đời. Để có chả cá thành phẩm thơm ngon không đơn giản. Từ loài cá đỏ củ, sau khi lọc bỏ xương, trộn với đủ thứ gia vị rồi xay, quết thật nhuyễn thì được cho vào nồi hấp. Công đoạn hấp chả được xem là công đoạn quan trọng nhất. Bởi người hấp chả phải canh lửa, canh thời gian thật kỹ, để chả cá làm ra vẫn giữ được độ thơm, dai…

Tủ hấp điện giúp cơ sở sản xuất tiết kiệm thời gian và nhân công khi mỗi mẻ có thể hấp được 100 kg chả cá.
Tủ hấp điện giúp cơ sở sản xuất tiết kiệm thời gian và nhân công khi mỗi mẻ có thể hấp được 100 kg chả cá.


Mọi công đoạn đều làm theo kiểu thủ công, nên bình quân mỗi cơ sở làm chả ở Định Tân đều thuê từ 4-5 nhân công, làm việc từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng thì mới làm ra được khoảng 70-100 kg chả cá. Vì vậy, năm 2014, khi được Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tư vấn, hỗ trợ 50% kinh phí để mua máy xay, tủ đông lạnh và tủ hấp, bà Nguyễn Thị Hải, chủ cơ sở chả cá Hải Thuyền phấn khởi lắm. Máy xay chả 2 lớp được làm bằng Inox chuẩn của ngành thực phẩm, không bị rỉ sét. Thời gian xay mỗi mẻ chỉ từ 3-4 phút. Tủ hấp điện có hệ thống lấy nước tự động, có thiết bị hẹn giờ, chống ngập, chống tràn, báo động và tự ngắt điện khi đã đủ thời gian nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức. Làm chả cá theo phương pháp mới không chỉ dễ làm, tiết kiệm được thời gian mà chủ cơ sở sản xuất còn tiết kiệm được thêm chi phí nhân công, vì hầu hết các công đoạn đều đã thực hiện bằng máy.

Sau khi Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư hỗ trợ thiết bị tại Định Tân, nhận thấy được sự thuận tiện của máy móc trong chế biến, ông Nguyễn Thanh Tân, chủ cơ sở chả cá Thanh Tân ở Định Tân, Bình Châu lập tức bỏ tiền túi mua ngay chiếc tủ hấp hai ngăn trị giá 30 triệu đồng để hiện đại hóa quy trình làm chả cá. Nói về sự tiện dụng sau khi có tủ hấp, ông Tân hồ hởi: “Hấp chả cá theo kiểu cũ vừa tốn công, lại vừa tốn thời gian, khi 60 phút mà chỉ hấp được khoảng 50kg chả cá. Còn giờ, với tủ hấp điện này, 70 phút là hấp chín 100kg chả. Cũng không cần phải châm nước, canh lửa… nên thuận tiện hơn rất nhiều”.

Cần trợ lực

Từ hiệu quả sau khi hỗ trợ công nghệ ở làng chả cá Định Tân, Bình Châu, có thể thấy được việc hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân thay đổi phương pháp chế biến thủy sản là rất cần thiết. Bà Phan Thị Thu Hà-Phó phòng Kỹ thuật ngư nghiệp, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh cho biết: “Việc hỗ trợ, hướng dẫn luôn nhận được sự quan tâm của người dân làm nghề chế biến thủy sản. Bởi phần lớn người làm nghề trên địa bàn tỉnh đều làm theo kiểu thủ công, chứ chưa hề biết cách đổi mới công nghệ”.

Trong năm 2014, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc cho hai hộ chế biến chả cá là bà Nguyễn Thị Hải ở Định Tân, Bình Châu (Bình Sơn) và bà Trần Thị Cúc ở Phổ Thạnh (Đức Phổ).  Trước đó năm 2012, Trung tâm cũng trích ra gần 70 triệu đồng để hỗ trợ cơ sở chế biến mực khô mua máy hút chân không, máy cán mực và giàn phơi.

Nếu như trong lĩnh vực khai thác, ngư dân được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc với điều kiện trị giá của thiết bị không vượt quá 200 triệu đồng, thì trong lĩnh vực chế biến thủy sản, cơ sở chế biến sẽ được hỗ trợ 50% trong điều kiện trị giá của thiết bị không vượt quá 75 triệu đồng. Tuy nhiên, từ 2012 đến nay, thì việc hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến thủy sản mới chỉ được thực hiện với 3 cơ sở chế biến, vì nguồn kinh phí còn hạn chế. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh, số cơ sở chế biến thủy sản đang cần được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ là rất lớn.

 Bà Phan Thị Thu Hà cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở làm nước mắm lớn trên địa bàn tỉnh tự trang bị cho mình thiết bị chiết, rót và đóng chai nước mắm để tiết kiệm nhân công cũng như hiện đại hóa quy trình. Bởi trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở chế biến nước mắm lớn, xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nhưng hầu hết các cơ sở đều thực hiện thủ công”…


Bài, ảnh: Ý Thu


 


.