Rộn ràng lao động, sản xuất đầu năm

10:02, 26/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với quan niệm tổ chức ra quân ngay từ những ngày đầu năm thật tưng bừng thì cả năm sẽ có khí thế để vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Vì thế nhiều địa phương trong tỉnh đã rộn rã ra quân làm đường giao thông, sửa chữa kênh mương nội đồng.

Những tuyến đường đầu năm

Ngay sau những ngày nghỉ Tết, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức ra quân đầu năm bằng những hoạt động sôi nổi. Có nơi tổ chức “trồng cây nhớ ơn Bác”, chỗ khác lại góp công làm đường giao thông nông thôn… Còn tại làng Ca Long, xã Sơn Thành của huyện miền núi Sơn Hà vào sáng mùng 5 Tết người dân ra quân làm đoạn đường bê tông ngắn dẫn về làng.

Ra quân làm đường giao thông đầu năm ở Sơn Hà.
Ra quân làm đường giao thông đầu năm ở Sơn Hà.


Mặt trời vừa lên khỏi núi Ca Loi, dân làng Ca Long đã gọi nhau í ới tập trung tham gia làm đường. Chị Đinh Thị Lễ, người làng Ca Long, bảo: “Cứ nghĩ có con đường thì con mình đến trường sẽ đỡ cực hơn nên mình phải tích cực làm cho tốt. Mọi người cũng nghĩ thế nên ai cũng tự nguyện góp công…”.

Đối với miền núi Quảng Ngãi, khi giao thông còn nhiều khó khăn thì mỗi đoạn đường mà dân tự bỏ sức ra làm để phục vụ chính lợi ích của họ là một việc làm có ý nghĩa, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Vậy nên, chính quyền địa phương ở nơi đây thường chọn hoạt động ra quân đầu năm bằng việc mở đường giao thông.

Ở huyện Sơn Tây hầu hết các xã đều có công trình “cung đường mùa xuân”. Ông Nguyễn Hồng Khuyến – Chủ tịch UBND xã Sơn Long (Sơn Tây) cho biết: “Từ trước Tết, xã đã cho anh em cán bộ đi khảo sát, lên phương án và trao đổi với người dân để huy động sức dân mở con đường đất đến địa bàn xa nhất của xã. Đó là đường về Long Vốc dài hơn 3km”.

Hiện tại bà con đang phải sử dụng đường mòn để đi lại. Nhớ lại mùa xuân năm trước, xã mới chia tách Sơn Long cũng đã phối hợp với huyện huy động gần 200 nhân công ròng rã 2 ngày mở được gần 7km đường đất đảm bảo cho xe máy đi lại từ trung tâm xã Sơn Long đi khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh. Đây là khu dân cư nằm ở cạnh hồ thủy điện Đăkđrinh, khi thủy điện tích nước đã bị cô lập. Nhờ có con đường từ sức dân mà người dân Nước Đốp có đường để đi lạithuận tiện.

Một số địa phương mới sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, mùa xuân này nhiều tuyến đường đã được đầu tư bê tông xi măng. Những ngày đầu năm, các địa phương đã huy động nhân dân ra quân giải phóng hai bên hành lang cùng với đơn vị thi công làm đường. Đoạn đường bê tông thông tuyến từ trụ sở UBND xã Nghĩa Hà với đường từ TP.Quảng Ngãi đi xã Nghĩa Phú là công trình như thế. Nhờ sức dân, hơn nữa nhân dân còn được tham gia giám sát công trình nên tiến độ thực hiện khá nhanh.

Tại huyện Tây Trà, nhiều tuyến đường chưa hoàn thành cũng được đơn vị thi công phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ra quân ngay từ đầu năm. Sự tập kết đầy đủ nhân lực, vật lực và khẩn trương thi công đã tạo nên niềm hy vọng những tuyến đường giao thông ở huyện nghèo Tây Trà còn dang dở sẽ về đích đúng tiến độ.

Khai mương cứu lúa

Trước Tết, ngày 27 – 29 tháng Chạp, một số diện tích lúa trên cánh đồng xã Nghĩa Phương, Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) bị bệnh rầy nâu, đạo ôn,  nông dân cùng với cán bộ chuyên môn dồn sức cứu lúa. Phương án hữu hiệu nhất đã được áp dụng kịp thời, ngăn chặn bệnh lây lan.

 Sau 3 ngày Tết, nông dân tập trung ra quân vét mương, đưa nước về đồng, đảm bảo công tác diệt trừ bệnh hại lúa. Ông Trần Thiên Thanh – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết, đến nay dịch bệnh trên cây lúa đã được khống chế. Vụ đông xuân này, huyện Tư Nghĩa gieo sạ 4.100 ha lúa. “Hiện nay lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Dịch hại cũng ít hơn cùng kỳ năm trước do nông dân tích cực chăm sóc, đặc biệt là chủ động sửa chữa kênh mương, đảm bảo nước tưới cho lúa” – ông Trần Thiên Thanh cho hay.

Tại huyện Sơn Hà, vụ đông xuân 2014 – 2015, toàn huyện gieo sạ khoảng 2.800ha. Đây là vụ mùa quan trọng, đảm bảo lương thực cho nhiều gia đình trong cả năm nên từ nông dân đến ngành nông nghiệp đều tích cực, chủ động chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên lúa.

Tuy nhiên, lo lượng mưa năm nay ít hơn mọi năm, dẫn đến số diện tích “ăn nước trời” ở Sơn Hà bị thiếu nước trầm trọng, nhiều cánh đồng lúa bị cháy. Ngay ngày đầu năm mới cán bộ Phòng nông nghiệp huyện đi làm đã xuống tận ruộng hướng dẫn người dân khai mương, dẫn nước về đồng.

Tại xã Sơn Cao, ngay ngày đi làm đầu năm, nông dân trong xã đã ra quân sửa chữa, gia cố 7 đập bổi, đảm bảo giữ nước tưới cho lúa đang thời kỳ sắp sửa làm đòng, giữ vững sản lượng hơn 40 tạ/ha như vụ đông xuân năm trước.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.