Đâu chỉ bảo tồn rùa

04:09, 14/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rùa Trung Bộ, một trong những loài được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào diện “cực kỳ nguy cấp” trong Sách Đỏ năm 2012. Trước thực trạng này, Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á đề xuất thực hiện Đề án phát triển Trung tâm cứu hộ (TAC) và Khu bảo vệ sinh cảnh loài (SHCA) tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là nơi “giữ” sự sống cho rùa...

TIN LIÊN QUAN

Rùa Trung Bộ được ghi nhận tại vùng đất thấp, ngập nước và các con sông của miền Trung (từ Đà Nẵng tới Phú Yên) với 98 cá thể được phát hiện. Trong số này có đến 13 cá thể rùa Trung Bộ và 31 cá thể rùa cổ sọc được tìm thấy tại hai xã Bình Khương và Bình Minh (Bình Sơn). Đây là lý do Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á chọn Quảng Ngãi thực hiện đề án nhằm trả lại môi trường sống hoang dã cho rùa Trung Bộ tại chính “ngôi nhà” của nó. Từ đó sẽ tái tạo sinh cảnh, hình thành sinh kế cho người dân.

Trào lưu “đẩy” rùa vào bẫy

Rùa Trung Bộ xuất hiện tại Quảng Ngãi. Cái tin chẳng có gì hấp dẫn với đại đa số người dân nhưng lại làm nức lòng giới chuyên môn và cả những kẻ săn lùng các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Quả thật, ngay khi những cá thể rùa Trung Bộ, rùa cổ sọc, rùa núi vàng, rùa hộp trán vàng miền Trung lần lượt được ghi nhận và phát hiện vào năm 2008, thì cùng với theo dõi cuộc sống của rùa, nhóm nghiên cứu còn phải lên kế hoạch “giữ” tính mạng cho chúng.

 

 Rùa hộp trán vàng Trung Bộ.                                           Ảnh: MỸ HOA
Rùa hộp trán vàng Trung Bộ. Ảnh: MỸ HOA


Với tốc độ đô thị hóa cao, rồi việc chuyển đổi hàng loạt vùng đất ngập nước tự nhiên thành đất nông nghiệp khiến rùa không có chốn “dung thân”. Đồng thời nạn săn bắt, buôn bán trái phép đã ảnh hưởng đến sự tồn vong của rùa. Hàng loạt cá thể rùa, nhất là rùa Trung Bộ bị “truy sát” đến bờ vực tuyệt chủng. Cụ thể là hiện giờ, chưa có ghi nhận nào về loài này ở các khu bảo tồn thiên nhiên. Nghĩa là, số cá thể rùa Trung Bộ còn sống sót trong tự nhiên rất ít, nếu không nói là hiếm.

Ngay trong quá trình điều tra khảo sát, các chuyên gia cũng phải rùng mình trước hàng loạt cái bẫy lớn được những kẻ săn bắt giăng khắp lối nghi là vị trí di chuyển của rùa. Sự liều lĩnh và không kém phần nhạy bén này khiến nhóm nghiên cứu của TS. Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam mất 5 cá thể rùa. Đáng nói là 5 cá thể này đã được gắn chíp điện tử nhưng vẫn biến mất không để lại dấu vết!

Giữ rùa để có “cuộc sống xanh”

Rừng tự nhiên đã và đang ngày một thu hẹp. Nghĩa là cuộc sống hoang dã của nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có họ nhà rùa cũng bị thu hẹp; trong khi các khu bảo tồn thiên nhiên thì lại trống. Nguyên do là bởi các TAC hay HSCA chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các nhà chức trách lẫn người dân. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Bởi, các khu bảo tồn thiên nhiên hay TAC, HSCA được xếp vào dạng “phi lợi nhuận”. Tức sự ra đời của nó không được mức đền bù (đất, hoa màu) quyết định mà ở tinh thần tự nguyện cộng tác của người dân. Còn về hiệu quả, TAC hay HSCA không hiện hữu trong GDP bằng số tiền cụ thể, mà là những chỉ số “ngầm” liên quan đến bầu khí quyển, mức độ tàn phá của thiên tai cũng như đa dạng hệ sinh thái xung quanh. Nghĩa là TAC và HSCA đảm bảo lợi ích xã hội-môi trường lẫn kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững.

 

Khu trung tâm cứu hộ và khu bảo vệ sinh cảnh loài ra đời sẽ giúp các hồ chứa nước thoát cảnh trơ đáy như thế này.
Khu trung tâm cứu hộ và khu bảo vệ sinh cảnh loài ra đời sẽ giúp các hồ chứa nước thoát cảnh trơ đáy như thế này.


Ngay như khu TAC, HSCA đang được Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á đề xuất xây dựng ở tổ hợp 3 hồ của xã Bình Khương, Bình Minh và Bình Trung (Bình Sơn). Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó chi phí dùng để thuê đất hoặc hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi phục vụ đề án chỉ vỏn vẹn…1,1 tỷ đồng. Số tiền thoạt trông quá ít so với quy mô một dự án có diện tích đất sử dụng ban đầu 40-50 ha.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Jake Brunner - Giám đốc IUCN thì, dự án không độc chiếm vĩnh viễn đất của người dân mà chỉ mượn tạm trong thời gian triển khai. Bởi, sau khi các khu TAC, HSCA hoàn thành và hoạt động ổn định thì bà con sẽ nhận được từ nó rất nhiều nguồn lợi. Nào là sản phẩm nông, lâm, thủy sản; nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như tác dụng “giữ” đất của vành đai rừng xung quanh. Nhưng về lâu dài, rùa chính là đối tượng “đẻ” ra sinh cảnh mới cho vùng khi sự hiện diện của nó sẽ khiến các loài động, thực vật rủ nhau quay trở lại. Chưa kể tham vọng về một điểm du lịch sinh thái, với sự thay đổi này, chắc chắn môi trường sống của người dân sẽ không còn “ngập” trong khí thải và bụi bặm vốn đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Dù hứa hẹn mang lại “cuộc sống xanh” cho người dân nhưng hiện giờ, con đường dẫn đến TAC và HSCA Bình Sơn-khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở khu vực miền Trung xem ra vẫn còn nhiều gập ghềnh, khi mà đề án “phi lợi nhuận” chưa đủ sức đáp ứng nguồn kinh phí phục vụ đền bù. Muốn khơi thông khúc quanh này, có lẽ cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành chức năng cũng như sự chia sẻ, hợp tác của người dân trong khu vực dự án.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA


.