(QNg)- Dù vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, song, không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà Chương trình 30a mang lại cho người dân huyện Trà Bồng trong 4 năm qua. Nhất là khi đồng bào dân tộc Cor đã sở hữu được tư liệu sản xuất - những chiếc "cần câu cơm" hứa hẹn giúp họ thoát nghèo.
Tổng kinh phí (vốn 30a) mà UBND tỉnh phân bổ cho huyện Trà Bồng trong 4 năm qua là 43,47 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã dành 4 - 7 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống cây trồng và vật nuôi cho người dân. Nhờ vậy mà nhiều hộ đã thoát nghèo và có vốn làm ăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 62,37% (2008) xuống còn 47,46% (2012).
Vui vì có "cần câu cơm"
Đang vuốt ve bộ lông vàng óng mượt của con bê 1 năm tuổi, chị Hồ Thị Liễu ở thôn Trung, xã Trà Sơn hồ hởi nói với chúng tôi: "Con bê đẹp, khỏe nên nhiều người hỏi mua lắm. Họ trả 15 triệu nhưng mình không bán vì để nuôi làm vốn". Nói đoạn, chị Liễu dắt mẹ con chú bê ra bờ suối gần nhà để tắm rửa; rồi vội đi lấy cỏ cho chúng ăn. Nhìn chị cẩn thận, tỉ mẩn kỳ cọ cho bò mẹ, thủ thỉ nói chuyện với bê con. Chúng tôi cũng vui lây với niềm vui "lần đầu tiên có bò" của chị. "Nó là con bò được Nhà nước cấp cho 3 hộ vào năm 2010. Chỉ sau 1 năm nuôi dưỡng, đẻ lứa đầu. Bà con mừng lắm", vừa nói, chị Liễu vừa vỗ vỗ vào đầu con bò cái lai Sind to khỏe, mập mạp. Cũng theo chị Liễu thì vài hôm nữa, nó phải xa con, đến ở với người chủ thứ hai. "Đáng lẽ họ dẫn bò mẹ về rồi, nhưng vì bận trồng keo nên gửi mình trông giúp", chị Liễu cho hay.
Chị Hồ Thị Liễu nhận con bò thoát nghèo từ năm 2010 - "vốn" chung của chị và 2 hộ dân khác. |
Còn ông Hồ Văn Hùng thì vừa vui vừa khổ với con bò cái một con. Vui vì có bò để nuôi. Khổ vì con bò cái nhớ con và quen hơi chủ cũ nên không chịu làm bạn với ông. "Nó thấy ông Hồ Văn Tiến-chủ đầu tiên là lại lồng lộn, bứt dây chạy theo. Khổ lắm mới giữ được nó ấy chứ", ông Hùng vừa nói vừa cột chặt sợi dây thừng vào cột điện để giữ bò. Ông Hùng khoe: "Trông nhỏ thế chứ dễ nuôi và mắn đẻ lắm. Con đầu lòng của nó (do ông Hồ Văn Tiến nuôi-PV) đã được 8 tháng rồi. Giờ nó đang giai đoạn động dục, qua năm là mình có một con bê rồi đấy".
Không riêng gì chị Liễu, ông Hùng mà rất nhiều hộ dân ở huyện Trà Bồng đã thay đổi cuộc sống sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình 30a. Điển hình như gia đình Hồ Văn Thành ở thôn Trung (Trà Sơn). Từ một hộ sống nhờ gạo của Nhà nước, giờ đây anh đã thoát khỏi cảnh thiếu ăn, con cái tiếp tục đến trường sau khi được Chương trình 30a trợ sức bằng cách hỗ trợ hơn 15 nghìn gốc quế, hàng nghìn cây keo. "Năm ngoái mình kiếm được gần 20 triệu đồng nhờ bán quế, keo. Tiền đó mua được 1 con bò cái. Giờ nó cho thêm một con bê nữa đấy", anh Thành phấn khởi nói.
"Mong cơ chế hỗ trợ linh hoạt"
Đó là ý kiến của nhiều người dân ở huyện Trà Bồng trước thực trạng cây con, giống bị thất thoát sau khi bàn giao cho hộ được hưởng lợi. Bởi lẽ, không phải con bò nào cũng được bảo toàn tính mạng để sinh con, diện tích keo hay quế nào cũng phát triển tốt. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến chất lượng giống kém, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng hoặc do người dân tự ý bán lấy tiền tiêu xài. Đặc biệt, một trong những lý do khiến cây, con giống không phát huy tác dụng là do thời điểm cấp không thích hợp. Giống không phù hợp với tập quán canh tác và chăn nuôi của đồng bào dân tộc.
Theo kiến nghị của anh Thànhở thôn Trung, xã Trà Sơn, để không lãng phí cây con, giống khi cấp cho người dân thì các cấp chính quyền cần linh hoạt trong việc vận chuyển, cung ứng. Đặc biệt trước khi xây dựng Đề án hỗ trợ, phải tìm hiểu xem người dân có nhu cầu với cây, con giống đó không? Địa hình, khí hậu phù hợp với loại cây trồng, vật nuôi nào? Tránh trường hợp dân cần giống loại này, Nhà nước lại cấp loại khác. "Hơn nữa, chính quyền nên làm việc với đơn vị cung ứng giống keo, quế là hãy tạo điều kiện để người dân chủ động nhận giống vào những thời điểm thích hợp. Hạn chế trường hợp mùa nắng nhận cây để dành đến mùa mưa mới trồng", anh Thành hiến kế.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại. "Việc cây, con giống cấp cho dân không đúng thời điểm sẽ khiến tỷ lệ sống sót thấp, hiệu quả kinh tế giảm. Xảy ra tình trạng này một phần là do chậm trễ trong việc bố trí vốn", ông Bắc cho hay. Cũng theo ông Bắc thì một lý do không kém phần quan trọng là hiện nay, huyện Trà Bồng vẫn chưa thống kê cụ thể diện tích đất lâm nghiệp của từng hộ. Điều này khiến cho việc hỗ trợ cây giống theo kiểu "bình quân" nên mới xảy ra tình trạng "đất ít mà nhận cây nhiều".
Thiết nghĩ, hợp phần hỗ trợ sản xuất cho người dân trong Chương trình 30a đã và đang mang lại bộ mặt mới cho người dân huyện Trà Bồng. Tuy nhiên, để nó tiếp tục mang "cần câu cơm" đến cho người dân thì bên cạnh sự hợp tác của họ, các cấp chính quyền cũng phải linh hoạt trong việc xác lập và cung ứng cây, con giống sao cho phù hợp và đạt "chuẩn" về chất lượng.
Bài, ảnh: MỸ HOA