(QNĐT)- “Không phải đầu tư quá nhiều vốn, chỉ cần bỏ ra công sức và kỹ thuật, nhiều người có thể làm giàu từ vườn ươm cây lâm nghiệp”. Đó là lời khẳng định của anh Hồ Đức Phát (48 tuổi) quê ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh)- người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề ươm trồng cây lâm nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 1990, là thanh niên mới xuất ngũ trở về, anh Phát cùng một số người bạn hăm hở lên vùng đất đỏ Buôn Ma Thuộc để phát triển vùng kinh tế mới. Thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho việc ươm cây giống nên anh đã chăm chỉ làm để học hỏi kỹ thuật ươm trồng. Chẳng mấy chốc có được khoản tiền kha khá, anh quyết định quay về quê hương lập nghiệp.
Anh Phát kiểm tra cây giống trong vườn ươm của mình |
Đúng lúc này, anh nhận ra rằng có rất nhiều hộ gia đình trong tỉnh tập trung trồng rừng nên nhu cầu mua cây giống rất cao. Trong khi đó, nguồn cây con thì rất hạn hẹp và chi phí cao. Anh suy nghĩ là tại sao không tận dụng những kinh nghiệm đã học hỏi được nơi xứ người để mở vườn ươm cây ngay tại địa phương? Thế là anh mày mò thực hiện ý định của bản thân.
Ban đầu vì chưa có mặt bằng nên anh phải vất vả đi thuyết phục để mượn tạm khu đất trống ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh và bắt đầu ươm trồng 500 nghìn cây keo giâm hom. Lúc khởi đầu, anh cũng gặp nhiều trắc trở trong việc tự nghiên cứu cách ươm trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, cũng như chăm sóc cây giống. Thế nhưng vốn là con nhà nông chân chất hay làm, anh quyết tâm vượt mọi khó khăn.
Ngày qua tháng lại, trời không phụ lòng người. Các cây con anh ươm trồng được bà con đón nhận và luôn “cháy hàng”. Cây con khỏe, đảm bảo chất lượng sống cao, phát triển mạnh, kháng bệnh tốt nên nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh đến đăng kí mua.
Vườn ươm của anh Phát rộng hơn 4ha và được nhiều người tin tưởng đặt mua cây giống. |
Sở dĩ vườn ươm của anh Phát được nhiều chủ rừng ưa thích vì anh luôn tuân thủ tốt các quy trình kỹ thuật khi ươm nên cây con của anh đảm bảo chất lượng cao.
Giá cây con của anh Phát cũng rất bình dân. Hiện nay, giống cây keo giâm hom được anh bán với giá khoảng 800-900 đồng/cây, rẻ hơn khoảng 200-300 đồng/cây so với nguồn cây con chuyển về từ nơi khác. Vụ đầu tiên anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Tiếp những năm sau đó, mỗi mùa anh Phát ươm trên 500 nghìn cây, chủ yếu vẫn là cây keo giâm hom và một số ít cây bạch đàn, xà cừ. Thật mừng, năm nào cây giống của anh cũng bán sạch.
Từ năm 2007 đến nay, anh nhân rộng mô hình, mở thêm 2 vườn ươm nữa tại xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) với diện tích lên đến hơn 4ha. Riêng vụ 2011 vừa qua, anh thu lợi nhuận lên đến 400 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Phát còn tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động nông thôn |
Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 100 lao động nông thôn hằng năm, với mức thu nhập ổn định khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Anh chia sẻ: Mình phát triển kinh tế rừng thì thu về lợi đơn lợi kép. Không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn có thể giúp cho bà con nơi quê nghèo của mình có thêm chút thu nhập. Nhưng hơn hết vẫn là số cây giống mình ươm trồng sẽ phát triển thành rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Vậy là vui nhất rồi.
Hỏi về dự định cho các năm tới, anh nói: “Sang năm, tôi tiếp tục mở rộng diện tích đất trống còn nhiều để làm vườn ươm và giúp người dân thuận lợi trong việc phát triển rừng một cách bền vững. Năm tới, số cây con tại vườn ươm sẽ lên đến 2,5 triệu cây, hứa hẹn cung cấp đủ nguồn hàng cho các chủ rừng ở các huyện miền núi Quảng Ngãi và các doanh nghiệp ngoài tỉnh”.
Thanh Phương