Nông dân miền núi phát triển kinh tế rừng

12:09, 15/09/2012
.

(QNg)- Thời gian gần đây, người dân miền núi đã đưa giống keo giâm hom vào việc phát triển rừng đã đem lại hiệu quả đáng kể so với giống keo trước đây.

TIN LIÊN QUAN


Huyện Ba Tơ là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển rừng. Với một địa bàn có đến 65% diện tích là đất rừng thì việc phát triển cây công nghiệp có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế của người dân. Trước đây, người dân trồng rừng một cách tự phát, còn cây giống thì tự ươm bằng hạt để trồng. Nhưng sau một thời gian, cây con thường xuyên bị chết hoặc cho năng suất thấp khiến nhiều diện tích rừng đạt sản lượng gỗ thấp.

Người dân Ba Tơ chăm sóc keo giâm hom chuẩn bị vụ trồng rừng 2012.
Người dân Ba Tơ chăm sóc keo giâm hom chuẩn bị vụ trồng rừng 2012.


Từ thực tế đó, nhân dân đã tìm đến những vườn ươm có cây giống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ mới vào quá trình ươm cây giống. Những cây keo giống được ươm theo công nghệ giâm hom, khi đem trồng tỷ lệ sống cao, cây phát triển rất nhanh, sản lượng gỗ tăng gấp đôi so với trồng keo ươm hạt.

Ông Phạm Văn Ba ở xã Ba Cung (Ba Tơ) cho biết, cùng 1ha diện tích, nếu sử dụng giống keo ươm hạt thì sản lượng gỗ chỉ từ 50 đến 60 tấn, nhưng keo giâm hom cho sản lượng đến 120 tấn. Hơn nữa, khi trồng keo ươm hạt bị chết rất nhiều, keo giâm hom tỷ lệ sống cao. Mặc dù chi phí mua giống keo giâm hom cao gần gấp rưỡi so với ươm hạt, nhưng có thể thấy hiệu quả kinh tế tăng hơn gấp đôi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ đã có những cơ sở ươm giống keo giâm hom chất lượng, nhằm cung ứng giống tại chỗ cho nhân dân trồng rừng. Trung bình mỗi cây giống giâm hom có giá từ 700-800 đồng, cao hơn giống cây ươm hạt, nhưng vẫn được người dân lựa chọn.

Ông Trần Công Sương, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết: Công ty giao khoán cho nhân dân ký kết hợp đồng nhận trồng và chăm sóc, đầu tư toàn bộ kinh phí. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí nhân dân sẽ được nhận phần lãi. Khi giao cho nhân dân thì công tác bảo vệ sẽ tốt hơn. Từ nguồn giống chất lượng, trung bình mỗi năm huyện Ba Tơ khai thác trên 1.700 ha rừng trồng nguyên liệu, với sản lượng gỗ trên 77 tấn/ha. Với giá thành như hiện nay 1 triệu đồng/tấn gỗ, trừ hết chi phí, mỗi hecta còn lãi từ 20 đến 25 triệu đồng. Đây cũng là điều kiện để những gia đình kinh tế khó khăn có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Những năm gần đây, người dân ở miền núi Quảng Ngãi phát triển kinh tế rừng, chủ yếu là cây keo. Cây keo nguyên liệu đã giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chỉ tính riêng trong năm qua, toàn tỉnh ước có khoảng 200.000 m3 keo được bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Bình quân giá mỗi tấn keo 1 triệu đồng thì nông dân thu hơn 200 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với các huyện miền núi.  

Việc người dân miền núi đã tìm đến những vườn ươm có giống cây chất lượng cao, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất là sự chuyển biến tích cực trong công tác khuyến nông, khuyến lâm của các huyện miền núi trong tỉnh.    


      Bài, ảnh: Anh Vinh
 


.