(QNg)- Dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán - mùa thu hoạch của các hộ trồng hoa phục vụ Tết ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhưng dạo quanh làng hoa Nghĩa Hiệp vào những ngày này, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là không khí chuẩn bị hoa xuân cho ngày Tết khá rộn ràng.
Ông Võ Thành Tâm - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Hiệp cho biết, trên địa bàn xã hiện có trên 200 hộ chuyên trồng hoa bán vào dịp tết. Trong đó, thôn Hải Môn chiếm đa số và trung bình năm nay mỗi hộ trồng từ 300- 500 chậu hoa (chủ yếu là hoa cúc). Mấy năm trước, từ việc trồng hoa cúc bán vào dịp tết mà mỗi hộ dân trồng hoa ở Nghĩa Hiệp có thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/vụ hoa.
Hơn 300 chậu cúc các loại của anh Nguyễn Thanh Lâm phát triển rất tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh. |
Từ việc trồng hoa và bán hoa đã tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn người dân ở địa phương. Nhiều hộ dân vừa trồng hoa, vừa thuê xe chở hoa đi bán ở các tỉnh: Đắc Lắc, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế có thu nhập cả chục triệu đồng/chuyến. Từ việc trồng hoa cho thu nhập khá, nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng hoa ở địa phương, lên cả Tây Nguyên và ra Đà Nẵng... Nếu so sánh việc trồng hoa với sản xuất lúa thì việc trồng 1 sào hoa cho hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, hay các loại rau màu khác.
Anh Nguyễn Thanh Lâm, ở thôn Hải Môn tâm sự: Năm nay giá cả các loại vật tư nông nghiệp phục vụ nghề trồng hoa như: Phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây… tăng cao, khiến nhiều chủ vườn lo lắng. Để giảm bớt chi phí thuê đất trồng hoa, nhiều gia đình tận dụng đất nghĩa địa, các gò cao, riêng anh thì mượn sân UBND xã trồng được 300 chậu hoa cúc. Anh Lâm cho biết, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng Chạp, những người buôn hoa ở Quảng Nam, Đà Nẵng đến xã đặt cọc để khoảng sau 20 tháng Chạp sẽ đến chở.
Tuy nhiên, do thời điểm này còn cách Tết 1 tháng nên không chỉ người buôn mà cả các chủ vườn hoa đều dè dặt về giá cả để đặt cọc. Đến thời điểm này, giá đặt mua chắc cũng không cao hơn năm trước bao nhiêu và thường dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/chậu cúc nhỏ, 120.000 - 150.000đ/chậu cúc trung và 250 - 300.000đ/chậu cúc đại. Tuy giá cả như vậy là cao, nhưng người dân Nghĩa Hiệp vẫn chưa muốn bán mà chờ xem tình hình thị trường thế nào.
Anh Phan Văn Triết đang chăm sóc hơn 500 chậu cúc, 50 chậu phượng vĩ cho biết, hiện nay các nhà vườn đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến nên các loại hoa được trồng hầu hết đạt yêu cầu về hình thức cũng như mùa vụ. Vườn cúc được anh Triết chăm sóc tỉ mỉ. Những chậu cúc vượt lên sớm được anh "hãm" lại chờ cho đều với các chậu khác. Anh phấn khởi vì đã có nhiều người đến hỏi đặt cọc giá sỉ khá hấp dẫn và cao hơn năm trước, nhưng anh chưa đồng ý. Cũng từ trồng hoa mà năm 2010, anh có lãi gần 30 triệu đồng.
Anh Lê Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cũng là người có kinh nghiệm trồng hoa hơn 10 năm cho biết: Nghề trồng hoa cảnh bán vào mỗi dịp tết ở Nghĩa Hiệp có cách đây hàng chục năm. Trước đây, người dân Nghĩa Hiệp trồng chủ yếu là hoa hồng, thược dược, cúc vạn thọ, mai, hoa lay ơn...
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Nghĩa Hiệp chuyển sang trồng hoa cúc Đà Lạt là chủ yếu. Bởi vì, trồng hoa cúc kỹ thuật không cầu kỳ như hoa hồng, hay lay ơn. Mặt khác, chi phí đầu tư cho việc trồng cúc không tốn kém như trồng hồng, hay mãng đình hồng. "Riêng tôi mấy năm trước trồng từ 500 - 600 chậu, nhưng năm nay do bận công việc nên chỉ làm khoảng 300 chậu, trong đó có 100 chậu lớn để kiếm ít tiền cho gia đình và con cái tiêu tết. Mặt khác, dân làng hoa trót vương cái nghiệp vào thân thì cố phải theo để lâu nó quên cái nghề thì tiếc lắm" - anh Tấn cho biết.
Trong khi các vùng trồng hoa chuyên nghiệp ở Mộ Đức, Nghĩa Mỹ bị ảnh hưởng thời tiết và mưa lũ gây thiệt hại thì vùng hoa ở Nghĩa Hiệp đang có nhiều thuận lợi, khả năng có thể "gặp may" vào những ngày cuối năm do đột biến giá.
Bá Sơn