Viettel phủ sóng ra biển đảo

01:11, 13/11/2011
.

(QNĐT)- Nỗ  lực phủ sóng biển đảo của Viettel và dịch vụ  cung cấp gói cước Sea+ của nhà mạng này đã giúp ngư dân yên tâm khai thác nguồn lợi hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ  quốc.
 
TIN LIÊN QUAN

Cách đây khoảng 3 năm, có lẽ không người dân nào trên đảo Bé (xã đảo An Bình), huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cả những người từ đất liền ra thăm đảo có thể tin được hòn đảo tiền tiêu này có ngày sẽ được phủ sóng điện di động và truy cập được internet. Nhưng nay thì giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực. Và không chỉ có thế, cánh sóng viễn thông hôm nay còn vươn xa đến các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc như: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Phan Vinh...

Năm 2010 - Viettel sẽ kết nối mạng internet đến Trường Sa. Ảnh: Internet
Sóng di động đã phủ đến các điểm đảo ở Trường Sa. Ảnh: Internet
 
Để hiện thực hoá “giấc mơ” ấy có thể nói là một sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp viễn thông trong nước, trong đó Viettel được coi là một nhà mạng đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ cho khu vực biển, đảo. Thời gian qua, nhà mạng này đã đầu tư khá lớn để xây dựng hạ tầng viễn thông vùng biển đảo. Đến thời điểm này Viettel đã ra mắt gói cước trả trước Sea+ dành riêng cho người dân vùng biển và ven biển với những ưu đãi và tính năng đặc biệt mang đến nhiều tiện ích cho đặc thù công việc, cuộc sống của người dân vùng biển.

Ông Hoàng Xuân Thuỷ - Giám đốc Chi nhánh Viettel Quảng Ngãi cho biết, Viettel đã phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam và phủ xa ngoài khơi tới 100 km. Thậm chí trên lý thuyết – có thể phủ sóng xa tới 121 km.  Tính đến nay, Viettel đã sở hữu mạng lưới phủ sóng biển đảo với hơn 1.400 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi. Hệ thống này bao gồm các trạm phát sóng tầm xa, có thể phủ sóng di động lên toàn bộ vùng bờ biển dài hơn 3000 km của Việt Nam với phạm vi phủ sóng cách bờ từ 70 - 90 km, cá biệt có nơi lên tới hơn 200 km, có khả năng phục vụ gần 7 triệu thuê bao.

Nhờ  đó ngư dân đánh bắt xa bờ tại nhiều vùng biển có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với đất liền. Ngoài ra, người dùng có thể truy cập internet qua GPRS/EDGE để đọc tin tức, cập nhật giá cả, thời tiết… ngay giữa biển khơi. Hệ thống này đã đem lại cơ hội liên lạc đối với hàng trăm nghìn người đang hàng ngày làm việc khai thác, đánh bắt trên biển vùng biển của Việt Nam, trong số đó có khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ.
 
Tại Quảng Ngãi, Viettel đã đầu tư và lắp đặt được 394 trạm 2G, phủ sóng đến 100% các xã trên toàn tỉnh, đặc biệt với 4 trạm phủ biển, Viettel đảm bảo phủ xa 100km tính từ đất liền dọc theo chiều dài bờ biển của tỉnh. Ngoài ra với 329 trạm phát sóng 3G, Viettel đã phủ sóng 100% các xã thuộc khu vực đồng bằng và trung tâm các huyện miền núi, hải đảo.

Ra biển có sóng di động, ngư dân có thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua bão táp phong ba. Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
 

Ông Nguyễn Văn Mưng, một ngư dân của huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kể, nghề đi biển lắm hiểm nguy rình rập, nếu không có sóng di động vươn ra tới những vùng biển xa, chắc ông đã nhiều lần bỏ mạng giữa trùng khơi. Có lần gặp bão, thuyền trôi dạt cả tuần trên biển, những tưởng chuyến ấy không còn có cơ hội trở về với vợ con. May sao, mấy hôm sau, thuyền trôi vào vùng có sóng của Viettel nên ông đã liên lạc được với tàu bạn đến cứu. Người đàn ông vùng biển, nước da đen giòn, cười bộc bạch: “Ra biển có sóng di động, tôi như có thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua bão táp phong ba”.
 
Để làm được điều này, Viettel đã áp dụng công nghệ mở rộng vùng phủ (extended Range), nâng công suất vùng phủ sóng lên gấp 2 đến 3 lần so với thiết kế cơ bản của công nghệ GSM và kết hợp với cách chọn địa điểm đặt trạm tối ưu, nên mỗi trạm phát sóng ra biển của Viettel có tầm thu phát sóng lên tới gần 200km, vượt xa giới hạn tiêu chuẩn 35 km đối với trạm BTS của công nghệ GSM. Đây là một thành tựu hiếm thấy trong lĩnh vực viễn thông trên thế giới.

Kết quả  đo kiểm đầu tháng 5 cho thấy, hơn 3.000 km vùng biển gần bờ Việt Nam đã được Viettel phủ sóng điện thoại di động. Tại những ngư trường lớn như Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng phủ sóng cách đất liền lên tới hơn 200 km.

Trạm phát sóng của Viettel trên đảo Sinh Tồn. (Nguồn: viettel.com.vn)
Trạm phát sóng của Viettel trên đảo Sinh Tồn. (Nguồn: viettel.com.vn)
Để có  được những thành quả này, các chuyên gia của Viettel đã phải lênh đênh trên biển rất nhiều tháng để khảo sát, thử nghiệm khả năng của từng loại thiết bị. Chi phí  để xây dựng một trạm BTS phát sóng biển đảo cũng cao gấp nhiều lần so với thông thường. Nhưng điều đó, không thể ngăn trở được sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các trạm BTS phủ sóng biển đảo, giúp cho những chuyến đi biển ngày càng an toàn, và tiện ích hơn.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng trên biển phục vụ đông đảo ngư dân, đảm bảo thông tin liên lạc trong mùa mưa bão, trong quý III năm 2011, Viettel sẽ tiến hành nâng cấp 15 trạm phát sóng trên quần đảo Trường Sa và 9 trạm nhà giàn trên biển. Ngoài ra, 32 vị trí khác sẽ được lắp thiết bị khuếch đại tín hiệu (booster).

Sự xuất hiện của sóng di động trên biển đáp ứng nhu cầu liên lạc với đất liền, tạo cơ hội liên lạc cho hàng trăm nghìn người đang làm việc khai thác, đánh bắt và các dịch vụ trên biển của Việt Nam an toàn và tiện ích hơn. Và hôm nay đây, ước mơ của những người lính Viettel không chỉ đã trở thành hiện thực mà còn vượt xa cả niềm ao ước ban đầu của họ. Những “cánh sóng” của Viettel giờ đã có mặt trên mọi vùng biển đảo của quê hương. Những “cánh sóng” ấy luôn đồng hành theo mỗi chuyến ra khơi của ngư dân và luôn bên cạnh những người lính đang ngày đêm chắc tay súng giữ vững biển trời của Tổ quốc.
 
* Được biết, hiện có khoảng 2 triệu người khai thác, đánh bắt và làm các dịch vụ trên biển của Việt Nam, trong đó khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ, những người  có nhu cầu liên lạc với đất liền và giữa các tàu trong nhóm với nhau để phối hợp đánh bắt cá. Ngoài ra, họ cần cả những thông tin về dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn để chủ động đối phó thiên tai, địch họa… và mạng di động Viettel hoàn toàn đáp ứng được điều đó.

H.M

.