(QNg)- Những năm qua, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cùng với việc mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nông dân huyện Ba Tơ đã tạo ra nhiều diện tích trồng trọt "chất lượng cao". Nhờ đó, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển tốt, góp phần vào công cuộc thoát nghèo cho người dân nơi đây.
Trồng rừng chất lượng cao
Với một địa bàn có đến 65% diện tích là đất rừng thì việc phát triển cây công nghiệp có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế của người dân. Hằng năm, huyện Ba Tơ luôn giữ ổn định diện tích rừng, tổ chức giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý và trồng rừng. Huyện đã xác định trồng rừng nguyên liệu là một trong các điều kiện để phát triển kinh tế bền vững, nhằm phủ xanh đất đồi. Nhưng để trồng rừng đạt năng suất, sản lượng gỗ cao, thì phải chọn cây giống đảm bảo chất lượng.
Nông dân Ba Tơ đã biết sử dụng giống keo giâm hom vào trồng rừng. |
Những năm qua, cây keo là sự lựa chọn "mặc nhiên" của người dân Ba Tơ, nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Trước đây, người dân trồng rừng một cách tự phát, còn cây giống thì tự ươm bằng hạt để trồng. Nhưng sau một thời gian, cây con thường xuyên bị chết khiến nhiều diện tích rừng đạt sản lượng gỗ thấp. Từ thực tế đó, nhân dân đã tìm đến những vườn ươm có cây giống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ mới vào quá trình ươm cây giống. Những cây keo giống được ươm theo công nghệ giâm hom, khi đem trồng tỷ lệ sống cao, cây phát triển rất nhanh, sản lượng gỗ tăng gấp đôi so với trồng keo ươm hạt.
Ông Phạm Văn Ba (xã Ba Cung, Ba Tơ), chia sẻ kinh nghiệm: "Cùng 1ha diện tích, nếu sử dụng giống keo ươm hạt thì sản lượng gỗ chỉ từ 50 đến 60 tấn, nhưng keo giâm hom cho sản lượng đến 120 tấn. Hơn nữa, khi trồng keo ươm hạt bị chết rất nhiều, keo giâm hom tỷ lệ sống cao. Mặc dù chi phí mua giống keo giâm hom cao gần gấp rưỡi so với ươm hạt, nhưng có thể thấy hiệu quả kinh tế tăng hơn gấp đôi".
Quy trình ươm giống keo giâm hom phức tạp hơn so với giống keo ươm hạt, nhưng hiệu quả sản lượng gỗ cao hơn rất nhiều. Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Tơ đã có những cơ sở ươm giống keo giâm hom chất lượng, nhằm cung ứng giống tại chỗ cho nhân dân trồng rừng.
Ông Hoàng Văn Nam- Chủ doanh nghiệp giống cây trồng Đại Nam, cho biết: "Từ khi đơn vị áp dụng cấy mô và giâm hom để nhân giống, năng suất cây keo đã cao hơn rất nhiều. Đến nay huyện Ba Tơ có khoảng 90% người dân đã tìm đến các cơ sở sản xuất cây con giống chất lượng để chọn giống cây trồng".
Từ nguồn giống chất lượng, trung bình mỗi năm huyện Ba Tơ khai thác trên 1.700ha rừng trồng nguyên liệu, với sản lượng gỗ trên 100 tấn/ha. Ở Ba Tơ bây giờ, nhiều diện tích rừng keo được gọi là "rừng chất lượng cao".
Đất đồi sinh mía ngọt
Ở Ba Tơ hiện nay, cây mía được tập trung trồng chủ yếu tại hai xã Ba Tô và Ba Dinh, với diện tích gần 600ha. Trước đây, người dân chưa biết canh tác mía trên đất gò đồi nên sản lượng mía đạt thấp, chỉ khoảng 45 tấn/ha. Để hạn chế tình trạng rửa trôi của đất và tạo điều kiện để người dân đầu tư thâm canh mía một cách bền vững, năm 2010 Sở KHCN và Nhà máy Đường Phổ Phong thực hiện dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi theo hướng sản xuất bền vững".
Thời gian qua, dự án đã thực hiện trồng mới 135 ha diện tích mía, tại 2 xã Ba Dinh và Ba Tô, với 345 hộ nông dân tham gia. Nhờ đó, người dân đã được hướng dẫn cụ thể kỹ thuật trồng và thâm canh mía trên đất đồi. Hiện nay, đồng bào huyện Ba Tơ đã biết sử dụng kỹ thuật làm đất bằng máy đào rãnh, bảo đảm sâu 40cm, nhằm chống xói mòn, rửa trôi đất do mưa lũ. Kết quả năng suất mía của vùng dự án đạt trên 65tấn/ha, chữ đường bình quân gần 10 CCS. Cùng với đó, người dân đã đưa nhiều giống mía mới như giống Roc27 và K8892 có khả năng nẩy mầm và tái sinh chồi cao, chịu hạn khá và tỷ lệ trổ cờ khi thu hoạch không đáng kể để thay thế cho các giống mía thoái hoá ở địa phương. Dự án còn kết hợp bón vôi và lân để cải tạo đất.
Ông Phạm Văn Kia (thôn Làng Măng, xã Ba Dinh), cho biết: “Những vụ trước trên 1ha đất trồng mía ông chỉ thu được 50 tấn, bán thu về trên 20 triệu đồng, trừ chi phí lãi chẳng bao nhiêu. Hai năm nay, nhờ được nhà máy đường hướng dẫn kỹ thuật trồng mía mới, mình thu được gần 60 tấn, chữ đường đạt 9-10 CCS, thu nhập trên 40 triệu đồng, trừ chi phí mình có lãi tương đối".
Hy vọng rằng, với việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, nông dân huyện Ba Tơ dần xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu, góp phần nâng cao sản lượng cây trồng, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng hàng hóa.
NGUYỄN TRIỀU- TRƯƠNG CHI