Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế
Doanh nghiệp tự in hóa đơn: Vừa mừng vừa lo

05:11, 30/11/2010
.
0:00
0:00

Bài 2: Doanh nghiệp tự in hóa đơn: Vừa mừng vừa lo
  (QNĐT)- Kể từ ngày 1/1/2011, các tổ chức, cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp) có trách nhiệm tạo hóa đơn bằng các hình thức: Tự in, đặt in, hóa đơn điện tử để sử dụng cho mục đích bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo Nghị định 51 của Chính phủ. Đây là chủ trương được nhiều doanh nghiệp đồng thuận, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp lo lắng. 
 
Giao quyền chủ động cho doanh nghiệp
 
Trước đây, việc đăng ký, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, Nghị định 51, Thông tư 153 thay thế cho Nghị định số 89/2002/NĐ-CP và Thông tư số 20/2002/TT-BTC thì doanh nghiệp sẽ được chủ động trong việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn.
 
Đây là một bước tiến mới trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính của ngành thuế; đáp ứng ngày càng cao yêu cầu hội nhập của doanh nghiệp, của nền kinh tế, sự thay đổi chính sách thuế...
 
Từ 1/1/2011, việc in hóa đơn sẽ được giao quyền cho doanh nghiệp. (Trong ảnh các mẫu hóa đơn mới mà các doanh nghiệp đã đặt in tại công ty cổ phần in Việt Phát).
Từ 1/1/2011, việc in hóa đơn sẽ được giao cho doanh nghiệp. (Trong ảnh: Các mẫu hóa đơn mới mà các doanh nghiệp đặt in tại Công ty cổ phần in Việt Phát).
 
Nghị định 51 giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn, đồng thời Nghị định cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân vừa lựa chọn hình thức hóa đơn cho phù hợp với đặc điểm kinh doanh; vừa có thể lựa chọn hình thức hóa đơn điện tử, hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in... Cơ quan thuế chỉ in và cấp cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn đầu, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh.
 
Ngoài ra, khi triển khai thực hiện Nghị định 51, doanh nghiệp không cần xin phép hay đợi ý kiến của bất kỳ cơ quan nào, kể cả cơ quan thuế; không quy định mẫu hóa đơn áp dụng chung. Đồng thời, việc doanh nghiệp tự thiết kế mẫu và đặt in hóa đơn sẽ mở rộng quyền làm chủ của doanh nghiệp trong in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thực hiện tự tạo hóa đơn theo Nghị định 51, Thông tư 153 cũng là nhằm đề cao quyền tự chủ của doanh nghiệp, coi hóa đơn chính là thương hiệu, là uy tín của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh...
 
Doanh nghiệp vẫn lo 
 
Có thể nói, từ việc quản lý chặt chẽ việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn sang giao quyền tự do gần như tuyệt đối cho doanh nghiệp nên việc nhiều doanh nghiệp lúng túng là hoàn toàn khó tránh khỏi. Chính vì thế, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành thuế là việc làm cần thiết. 
 
Với nhiều doanh nghiệp, việc giao quyền cho doanh nghiệp tự in, đặt in hóa đơn là điều rất tốt. Không ít doanh nghiệp ủng hộ Nghị định mới này, tuy nhiên cũng có doanh nghiệp cho rằng việc giao quyền cho doanh nghiệp tự thiết kế, in hóa đơn vô tình đã làm cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn.
 
Ông Nguyễn Công Trai-Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Trung Việt cho biết, mỗi tháng công ty ông sử dụng hàng ngàn hóa đơn. Trước đây, chỉ việc đến Cục thuế mua hóa đơn, nhưng theo Nghị định mới này thì công ty phải tốn nhiều thời gian cho việc thiết kế mẫu hóa đơn, tìm đơn vị in uy tín và đặt in. Công ty không thể tự in hóa hơn, bởi lẽ muốn in hóa đơn thì phải đầu tư thêm máy móc, rồi con người, đủ thứ... 
 
Ông Trai cũng lo ngại một điều là, doanh nghiệp ông sử dụng lượng hóa đơn rất lớn (khoảng 2.000 tập, tương đương 100.000 hóa đơn/năm), nhưng khi giao quyền tự in, nếu sai sót thì coi như phải in lại, ngoài ra việc bảo quản lượng hoá đơn lớn cũng rất khó khăn.
 
Một số doanh nghiệp cho rằng, việc bảo mật thông tin hóa đơn là khâu rất khó vì nếu làm không tốt, đối tượng xấu có thể lợi dụng, gây hậu quả khó lường. Công nghệ in hóa đơn khác hoàn toàn với công nghệ in thông thường, đòi hỏi doanh nghiệp phải vừa có kinh nghiệm, vừa có trách nhiệm cao. Đến thời điểm này chỉ còn một tháng nữa là đến thời hạn triển khai theo Nghị định 51, tuy nhiên hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có bao nhiêu đơn vị in đủ điều kiện để in hóa đơn.
 
Chiếc máy in trị giá trên 1,2 tỷ đồng được Công ty In Việt Phát nhập về để in hóa đơn.
Chiếc máy in trị giá trên 1,2 tỷ đồng được Công ty cổ phần In Việt Phát nhập về để in hóa đơn.
 
Anh Phan Đình Nhân-Giám đốc Công ty cổ phần In Việt Phát cho biết: Là một doanh nghiệp nhỏ lại mới, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu in hóa đơn mang tính bảo mật cao cho doanh nghiệp, công ty đã mạnh dạn đầu tư mua một máy in với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Đây là máy in hiện đại, sử dụng công nghệ Secure Watermark để bảo đảm bản gốc là duy nhất, nếu ai đó copy lại thì các ký tự ẩn sẽ hiển thị ra trên bản photo. Yếu tố này rất quan trọng cho việc in ấn các tài liệu chống giả như hóa đơn VAT. 
 
Tuy nhiên công nghệ in của công ty là công nghệ in số nên chỉ đáp ứng được cho những doanh nghiệp in hóa đơn với số lượng nhỏ, bởi nếu in số lượng lớn thì giá in hóa đơn của công ty sẽ không thể cạnh tranh với giá in theo công nghệ bản kẽm như các nhà in lớn. 
 
Kiểm tra, xử lý vi phạm như thế nào? 
 
Những năm qua, tình hình vi phạm về hóa đơn chứng từ xảy ra khắp nơi. Việc triển khai Nghị định 51 như một cách hạn chế tình trạng hóa đơn khống, mua hóa đơn gây thiệt hại nặng cho nhà nước. Thế nhưng, sau khi triển khai Nghị định 51 thì tình trạng gian lận hóa đơn, trốn thuế, in giả hóa đơn nhất là trong giai đoạn công nghệ đang phát triển như hiện nay là điều khó có thể tránh khỏi. 
 
Người tiêu dùng khi đi mua sắm trị giá trên 200 ngàn đồng cần yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn. (Trong ảnh, người dân đi mua sắm tại siêu thị Quảng Ngãi)
Người tiêu dùng khi đi mua sắm trị giá trên 200 ngàn đồng cần yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn. (Trong ảnh, người dân đi mua sắm tại siêu thị Quảng Ngãi)
 
Ông Trần Văn Độ-Phó Cục trưởng Cục thuế Quảng Ngãi cho biết: Cục Thuế sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường phòng, chống in lậu hóa đơn, hóa đơn giả, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, lợi dụng sự thông thoáng nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước. 
 
Tuy nhiên, do việc in hóa đơn đã được giao cho doanh nghiệp, vì vậy công tác bảo mật doanh nghiệp phải tự lo, nghĩa là lựa chon doanh nghiệp in uy tín, hạ tầng CNTT hiện đại, có tính bảo mật cao. Còn việc doanh nghiệp bị in giả hóa đơn thì chỉ khi nào tiến hành kiểm tra mới có thể phát hiện được (hóa đơn tự in phải đăng ký phát hành thì mới có giá trị), tuy nhiên khó có thể kiểm tra xuể. 

Theo quy định của NĐ 51, các hóa đơn được DN tự in bao gồm: Hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng các loại hóa đơn như vé, thẻ...

Hóa đơn phải có những nội dung sau: Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn, tên liên hóa đơn. Đối với hóa đơn đặt in còn phải ghi tên tổ chức đã nhận in hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng; tổng số tiền thanh toán, chữ ký người mua, chữ ký người bán, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn.

Có 3 hình thức hóa đơn: Hóa đơn tự in; hóa đơn điện tử và hóa đơn đặt in.

 
Theo quy định khi bán hàng trị giá trên 200 ngàn thì đơn vị bán hàng phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Tuy nhiên hiện nay không mấy doanh nghiệp thực hiện điều này. Ngay trong hoạt động ấn định thuế cũng vậy, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế, nhưng ấn định bao nhiêu, cao thấp thế nào không thể khiến cho người dân nghi ngờ. 
 
Hiện nay bán hàng không xuất hóa đơn ai cũng thấy, nhất là các nhà hàng, karaoke... kể cả những cơ quan thuế cũng thấy điều đó. Thế nhưng từ trước đến nay hầu như chưa có trường hợp nhà hàng, quán karaoke nào bị xử lý vi phạm.  
 
Ông Trần Văn Độ-Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết, trường hợp những doanh nghiệp khi bán hàng có giá trị trên 200 ngàn, hoặc trên 100 ngàn mà khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn thì buộc đơn vị đó phải xuất hóa đơn, còn không thì đơn vị đó vi phạm. Với những trường hợp không xuất hóa đơn thì bị lập biên bản vi phạm hành chính, phạt từ 5-20 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, muốn vậy thì khách hàng khi mua hàng phải yêu cầu xuất hóa đơn, và nếu doanh nghiệp không xuất hóa đơn thì khách hàng phải tố cáo. Từ đó, cán bộ thuế mới có cơ sở pháp lý để xử phạt. Tuy nhiên hầu như không khách hàng nào làm việc này. 
 
Cũng theo ông Độ thì mỗi người dân cần tự nêu cao ý thức của mình trong việc chống gian lận về thuế bằng cách khi mua hàng phải yêu cầu đơn vị bàn hàng xuất hóa đơn, nhất là khi đi nhà hàng, quán karaoke, quán nhậu và đi mua sắm ở các các siêu thị và khi đổ xăng, dầu... có giá trị trên 200 ngàn đồng. 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn

.