(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, mô hình quản lý, bảo vệ rừng (BVR) dựa vào cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Ba Tơ đã phát huy hiệu quả. Mô hình này không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng, mà còn tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.
[links()]
Nhìn từ thôn Bùi Hui, xã Ba Trang (Ba Tơ), chúng tôi thấy một màu xanh bạt ngàn, tươi tốt của những cánh rừng tự nhiên. Có được điều này là nhờ năm 2016, khi chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm huyện Ba Tơ tuyên truyền tầm quan trọng của tổ chức trong quản lý, BVR và thực hiện chính sách giao khoán BVR cho cộng đồng. Từ đó, thôn Bùi Hui đã thành lập 2 tổ cộng đồng BVR là tổ Làng Leo và tổ Bùi Hui, nhận bảo vệ hơn 1,3 nghìn héc ta diện tích rừng tự nhiên.
Tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở tổ Bùi Hui, xã Ba Trang (Ba Tơ) đã phát huy vai trò trong việc phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm lâm nghiệp. |
“Tất cả 107 hộ dân Hrê ở tổ Bùi Hui đều tham gia vào tổ cộng đồng BVR. Ngoài chia nhóm đi tuần tra, giám sát rừng đột xuất, thì hằng tháng, tất cả các thành viên sẽ cùng với lực lượng kiểm lâm địa bàn tổ chức một đợt truy quét. Nhờ đó, đã phát hiện, ngăn chặn rất nhiều trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đánh bắt động vật hoang dã trái phép. Tham gia vào tổ cộng đồng dân cư BVR không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, mà bình quân mỗi năm, mỗi hộ dân trong tổ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng, nên tất cả các thành viên đều nỗ lực chung tay thực hiện tốt vai trò BVR, xem BVR là bảo vệ sinh kế của chính mình”, anh Vung chia sẻ.
Theo anh Thái Quý Tỵ, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cụm xã Ba Trang, Ba Khâm (Ba Tơ), với địa bàn quản lý rộng, trong khi lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng, nên công tác tuần tra, quản lý BVR còn nhiều hạn chế. Từ khi thành lập tổ cộng đồng dân cư BVR ở các thôn đã nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR của người dân. Khi phát hiện trường hợp sai phạm, thành viên các tổ đều thông tin ngay cho kiểm lâm địa bàn, nên đã kịp thời xử lý, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, cũng như huy động được cộng đồng tham gia dập tắt các đám cháy, không để cháy lan ra diện rộng.
Theo thống kê, đến nay, đã có 12 xã ở huyện Ba Tơ thành lập 39 tổ cộng đồng dân cư BVR, với hơn 8 nghìn héc ta rừng tự nhiên được cộng đồng nhận bảo vệ. Nhờ có tổ cộng đồng dân cư BVR, mà số vụ vi phạm lâm nghiệp trên địa bàn huyện giảm dần qua các năm. Riêng năm 2022, đã phát hiện, bắt giữ 51 vụ vi phạm, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.
“Việc giao rừng cho cộng đồng bảo vệ đã mang lại rất nhiều lợi ích. Tổ cộng đồng dân cư BVR là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm địa bàn trong tuần tra, quản lý BVR, góp phần làm giảm cả số lượng, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm huyện Ba Tơ sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thành lập, nhân rộng tổ cộng đồng dân cư BVR trên tất cả các xã, thị trấn ở địa phương”, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ Huỳnh Tấn Tiến nhấn mạnh.
Bài, ảnh:
MỸ DUYÊN