(Báo Quảng Ngãi)- Lặng thầm chăm sóc, kéo dài sự sống cho người bệnh là công việc của các y, bác sĩ ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Ở đây có những việc làm, những câu chuyện thấm đượm tình người.
[links()]
Nỗi niềm người thầy thuốc
Đêm tĩnh lặng, Khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh) càng thêm vắng vẻ, chỉ có tiếng máy thở ô xy của các bệnh nhân nặng, tiếng thở dài của người thân bệnh nhân. Điều dưỡng Lê Thị Ánh Tuyết (31 tuổi) nhẹ nhàng đến từng giường bệnh, theo dõi sức khỏe của từng bệnh nhân. Chị Tuyết gắn bó với công việc này đã 9 năm. “Hằng ngày phải chứng kiến những cơn đau quằn quại của bệnh nhân, mình đã nhiều lần rơi nước mắt. Các anh chị y, bác sĩ đi trước động viên: Làm nghề này mà không chế ngự được cảm xúc thì đâu có được”, chị Tuyết kể.
Ngoài theo dõi sức khỏe, các điều dưỡng Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) còn ân cần thăm hỏi chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân. ẢNH: ÁNH NGUYỆT |
Câu chuyện giữa tôi và điều dưỡng Tuyết bị ngắt quãng bởi tiếng la đau thắt của bệnh nhân. Chị Tuyết vội vàng đến bên người bệnh. Không phút chần chừ, chị lấy tay luồng qua thân đỡ bệnh nhân gối cao đầu, đo huyết áp, chị vỗ lưng, bóp tay, vỗ về bệnh nhân... Khi bệnh nhân này thiếp đi thì bệnh nhân khác lại trở mình rên la. Điều dưỡng Lê Thị Thúy Hương (35 tuổi) cùng ca trực với chị Tuyết vội vàng thay bạn chăm sóc bệnh nhân.
Giảm nhẹ nỗi đau
Khoa Ung bướu thường có khoảng 30 bệnh nhân nằm ở 6 phòng riêng biệt. Đa phần bệnh nhân nằm điều trị ở khoa đã qua phẫu thuật, xạ trị, hóa trị từ tuyến trên đưa về và hầu hết sức khỏe kém, thường bị đau dữ dội. Bệnh viện đã phân công mỗi ca trực có 2 điều dưỡng, 1 bác sĩ. “Hằng tháng, mỗi điều dưỡng, bác sĩ trực 10 ngày, đêm. Mỗi lần trực hầu như không ai chợp mắt. Đối với bệnh nhân ở mức cấp 1 thì cứ 2 giờ một lần thăm khám, với bệnh nhân ở mức cấp 2 thì 4 giờ thăm khám 1 lần. Cứ xoay vần với công việc, lúc thì đo huyết áp, tiêm thuốc, tư vấn, giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân; lúc phải điều chỉnh các thông số máy thở ô xy theo y lệnh của bác sĩ, hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác... Hầu như y, bác sĩ nào cũng phải làm việc thâu đêm”, điều dưỡng Hương bộc bạch.
Theo bác sĩ Huỳnh Đăng Minh - Trưởng Khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh), bệnh nhân mắc bệnh ung thư có khi buổi sáng còn rất tỉnh táo, nhưng đến tối đã mất. Vậy nên các y, bác sĩ ở khoa muốn kéo dài sự sống cho bệnh nhân thì phải cố gắng thật nhiều. Tuy vậy, đến nay, bệnh viện cũng chỉ điều trị cho bệnh nhân ung bướu ở mức hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ. "Làm nghề thầy thuốc, sau khi chăm sóc, điều trị bệnh nhân khỏe về với gia đình, người thân là niềm vui, niềm hạnh phúc. Thế nhưng, ở khoa này, điều nghiệt ngã là chỉ có thể kéo dài sự sống mà thôi", bác sĩ Minh bộc bạch.
Chính vì vậy mà gần 30 năm trong nghề, trong đó có gần 10 năm điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư, bác sĩ Minh hầu như chưa có ngày thanh thản. Những bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối khó có thể vượt qua, bởi vậy bác sĩ Minh cùng các y, bác sĩ ở Khoa Ung bướu luôn nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, giúp bệnh nhân giảm cơn đau. Các y, bác sĩ luôn động viên để bệnh nhân lạc quan hơn. Theo quy định, những y, bác sĩ làm việc ở Khoa Ung bướu là thuộc vùng nguy hiểm, mỗi y, bác sĩ chỉ làm việc 6giờ/ngày. Song, vì thiếu nhân viên nên hầu hết các y, bác sĩ phải thay phiên nhau thực hiện hết tất cả công việc. Các y, bác sĩ ở Khoa Ung bướu đã vượt qua nhiều áp lực, lặng thầm cống hiến, họ thật sự là những "Thầy thuốc như mẹ hiền”.
ÁNH NGUYỆT