(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ người dân trong nước, mà hàng triệu đồng bào ở xa Tổ quốc đều khắc ghi giây phút thiêng liêng khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong ngày 2/9/1945. Đây là niềm vui lớn lao chảy từ suối nguồn cách mạng. Từ thân phận nô lệ, người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm công dân của một đất nước độc lập, tự do...
[links()]
Có lẽ chỉ riêng Việt Nam, ngày Quốc khánh còn có tên gọi khác là tết Độc lập. Tết Độc lập là niềm vui không bờ bến, bởi lẽ, chính cái Tết này đã kết nối những trái tim người Việt lại với nhau, lan tỏa khắp non sông, lay gọi trong tâm thức dân tộc tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Đã 77 năm trôi qua, ý nghĩa ngày trọng đại của ngày 2/9/1945 càng ngấm sâu trong tâm hồn người Việt, với cụm từ “tết Độc lập”, vừa thiêng liêng, vừa giản dị.
Những trang sử hào hùng
Già làng Phạm Văn Điều (77 tuổi) ở Làng Huy, xã Ba Vinh (Ba Tơ) say sưa kể chuyện về Đội Du kích Ba Tơ trên núi Cao Muôn. “Chúng tôi được nghe nhiều về chuyện thế hệ cha anh đi làm cách mạng. Có những tháng ngày, các ông, các chú ở trên núi Cao Muôn học tập chính trị và huấn luyện quân sự để chuẩn bị lực lượng về đồng bằng thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám, làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Quảng Ngãi”, cụ Điều nhớ lại. Sau Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945), Đội Du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức tuyên thệ bên dòng sông Liên rồi chọn núi Cao Muôn - vùng núi phía bắc của huyện Ba Tơ, làm căn cứ để học tập chính trị và rèn luyện quân sự.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn thăm, tặng quà gia đình chính sách ở huyện Trà Bồng. Ảnh: Mai Hạ |
Trong những năm tháng ấy, Đội du kích đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về vũ khí, lương thực và cả sự khắc nghiệt của núi rừng để trở thành trung tâm của cao trào kháng Nhật cứu nước ở miền Trung Trung Bộ và là hạt nhân của lực lượng vũ trang Liên khu 5 sau này. Trên vùng cao Ba Vinh, người dân vẫn thường kể chuyện về mẹ Thía, đi mót khoai lang để ăn, dành gạo cho đội quân du kích. Rồi câu chuyện quân Nhật lên vùng núi Cao Muôn, bắt già Rum dẫn đường lên núi Cao Muôn, nhưng ông nhất quyết không đi và nói: “Tao già rồi chết cũng được”...
Từ núi Cao Muôn, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Đội Du kích Ba Tơ tiến về trung châu thành lập Đại đội Phan Đình Phùng, xây dựng chiến khu Vĩnh Sơn, ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) và Đại đội Hoàng Hoa Thám ở vùng Núi Lớn, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Cụ Huỳnh Văn Thanh (94 tuổi), ở xã Ba Động (Ba Tơ) kể, hồi đó, ông Nguyễn Đôn chỉ huy đại đội. Nhiều thanh niên trai tráng ở các huyện phía nam của tỉnh được cơ sở giới thiệu vào đội du kích. Còn ở chiến khu Vĩnh Sơn, đội quân du kích phát triển rất mạnh. Khi lực lượng đủ mạnh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động chiến tranh du kích. Ngày 14/8/1945, khi nghe phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, nhận rõ thời cơ tới, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám đã tiến đánh quân Nhật ở các huyện lỵ. Tại TX.Quảng Ngãi, các lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân tiến đánh Sở mật thám, Dinh Tỉnh trưởng, Kho bạc. Nhiều cuộc chiến đấu đã diễn ra. Quân du kích đã đánh bại quân Nhật ở Xuân Phổ (Tư Nghĩa), Mỏ Cày (Mộ Đức), Châu Ổ (Bình Sơn)... Cụ Huỳnh Tứ (91 tuổi), ở xã Hành Tín Đông kể, khi Tỉnh ủy phát lệnh khởi nghĩa, từ chiều hôm trước, các chiến sĩ đã bí mật treo cờ trên những cây cao ở vùng Đồng Ngỗ, ở cây da thôn Tân Phú.
Rồi Đại đội Hoàng Hoa Thám từ trên chiến khu Núi Lớn tiến xuống đồng bằng trong niềm vui của người dân. Cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi nổ ra vào ngày 14/8/1945 và đến ngày 16/8/1945 đã giành thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập. Ngày 30/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi, ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình, do đồng chí Trần Toại làm Chủ tịch.
Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử Việt Nam. Quân và dân Quảng Ngãi luôn tự hào đã góp công rất lớn trong cuộc khởi nghĩa, tạo nên một mùa thu cách mạng không bao giờ quên của dân tộc.
Nhớ ơn Bác Hồ
“Ngày xưa cha ông chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, còn ngày nay thế hệ con cháu xã Trà Giang phải nhìn vào lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc để nỗ lực xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu mạnh. Bởi đó cũng là cách tốt nhất để nhớ ơn Đảng, nhớ Bác Hồ và nhiều thế hệ đã cống hiến, hy sinh để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc".
Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang (Trà Bồng) NGUYỄN VĂN HƯNG
|
Chỉ tay lên bảng ghi khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh!” đặt ở trước cửa nhà, bà Hồ Thị Liên, ở thôn 1, xã Trà Giang (Trà Bồng)cho biết, dòng khẩu hiệu này được gia đình tôi dán bên ngoài cửa chính từ năm 2015 và luôn giữ gìn, nhằm nhắc nhở các thành viên trong gia đình ghi nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ. Qua đó, giúp con cháu hiểu được rằng, để có được hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay, thế hệ cha anh đã phải đánh đổi xương máu, vậy nên thế hệ hôm nay và mai sau phải biết trân trọng, giữ gìn. “Việc giữ cho câu khẩu hiệu luôn mới cũng là để gửi gắm lòng tin sắt son, trọn vẹn của gia đình tôi vào Đảng, Bác Hồ”, bà Liên chia sẻ.
Còn ông Hồ Văn Sự cũng ở thôn 1 bảo rằng, việc dán khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” giúp con cháu tôi hiểu về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay. “Năm 1959, tin theo Đảng và Bác Hồ, đồng bào Cor đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, Bắc- Nam sum họp một nhà, người dân chúng tôi đều vỡ òa hạnh phúc. Hàng chục năm sống trong hòa bình, chúng tôi càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do”, ông Sự cho hay.
Gia đình ông Hồ Minh Thành chọn khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” dán trước cửa nhà. Ông Thành bảo, khẩu hiệu trên là lời nhắc nhở, động viên nhau, dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng, làm theo lời dạy của Bác để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
|
Khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” dán trước cửa ra vào của gia đình bà Bạch Thị Nhàn, ở thôn 3, xã Trà Giang (Trà Bồng). Ảnh: BS |
Bí thư Chi bộ thôn 1 Hồ Văn Tài cho biết, các câu khẩu hiệu được người dân dán trước cửa nhà thể hiện sự trân trọng, lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần dân tộc của các gia đình đồng bào dân tộc Cor trong thôn luôn được tiếp nối qua các thế hệ. Với người dân, đó là cách để các gia đình giáo dục con, cháu phải luôn ghi nhớ công ơn, tri ân các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước, từ đó ra sức học tập, lao động, chăm lo phát triển kinh tế, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà phải biết tự lực ươn lên trong cuộc sống.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang Nguyễn Văn Hưng cho biết, đây không đơn thuần là câu khẩu hiệu, mà nó chứng minh cho tình yêu quê hương, đất nước, yêu Đảng, kính yêu Bác Hồ của đồng bào Cor, nhắc nhở đồng bào Cor góp sức xây dựng quê hương, đất nước, không chỉ là những việc lớn lao, mà còn từ những việc làm đơn giản, thiết thực.
TRẦN CAO DUYÊN - TRƯỜNG AN - BÁ SƠN