(Báo Quảng Ngãi)- Những ngôi làng dưới chân núi Mum, xã Long Môn (Minh Long), bây giờ đã khoác lên mình diện mạo mới. Có thể cảm nhận sự đổi thay ở nơi đây từ cơ sở hạ tầng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân.
[links()]
Dưới chân núi Mum, nhiều ngôi nhà sàn ngói đỏ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của rừng và những đám lúa, giờ có thêm vườn quýt và bưởi. Điện, đường đã hoàn thiện. Cuộc sống người dân từ Làng Giữa đến Làng Trê, từ Bãi Vẹt đến Núi Mum, từ Cà Xen đến Làng Ren - những vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa, đang ngày càng sung túc.
Vùng quê cách mạng chuyển mình
Đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày huyện Minh Long được giải phóng (17/8/1974), song ký ức về một thời gian khó nhưng nặng tình quân - dân vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người dân xã Long Môn. Đó là những lần giặc bao vây đánh phá ráo riết, nhưng người dân vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để “giấu bộ đội”. Hay những đêm tối họ cùng nhau vượt suối, băng rừng cõng gạo, mắm muối để tiếp tế cho các cơ sở cán bộ, bộ đội, hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tất cả vì độc lập, tự do”. “Người dân vùng căn cứ núi Mum rất quý cán bộ, bộ đội, nên hết lòng tin yêu, che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng”, ông Đinh Manh, già làng uy tín ở thôn Làng Ren, nhớ lại.
|
Màu xanh mát mắt dưới chân núi Mum. Ảnh: Mỹ Hoa |
Chính vì vậy, dưới chân núi Mum ngày ấy, dù nhà dân chỉ là những căn lều tranh vách nứa tạm bợ được dựng lên giữa rừng, nhưng đồng bào nơi đây vẫn bám trụ, ngày sản xuất, đêm gánh gạo nuôi quân. Dân làng cùng với bộ đội phát rừng, chặt cây, khai hoang, rồi trồng mì, lúa rẫy để có lương thực phục vụ kháng chiến. Tình quân với dân thắm thiết, keo sơn.
Xã Long Môn được che chắn bởi dãy núi Mum điệp trùng. Nhìn từ đỉnh đèo, các khu dân cư dưới chân núi Mum như Làng Giữa, Cà Xen, Bãi Vẹt, Làng Cua, Núi Mum... nằm gọn trong một thung lũng với bốn bề là núi. Dừng chân tại thôn Cà Xen và Núi Mum, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy những ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ với thiết bị nghe nhìn đầy đủ và vật dụng sinh hoạt hiện đại. Ngoài ra, còn có chiếc máy phát điện mini chạy bằng sức nước được cất giữ làm... kỷ niệm. “Từng trải qua một thời gian khổ, đến hôm nay cuộc sống đổi thay, tiến bộ, đồng bào mình biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào nhiều lắm”, ông Đinh Văn Hen, ở thôn Cà Xen, nói.
Cuối năm 2014, thôn Cà Xen và Núi Mum là những vùng “lõm” cuối cùng của huyện Minh Long được đấu nối điện lưới quốc gia. Chiếc máy phát điện nhỏ trên các con suối được người dân mang về, người thì tận dụng để soi đường đi làm nương rẫy, người cất giữ để làm kỷ niệm...
“Làng du lịch” nơi chân núi
“Thời gian qua, huyện Minh Long đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở xã Long Môn, nhằm thúc đẩy sản xuất, giao lưu hàng hóa, giúp người dân vùng căn cứ cách mạng núi Mum nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Có thể nói, cuộc sống của người dân nơi đây đang bước sang trang mới”.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long
ĐINH VĂN ĐIẾT
|
Chiến tranh đi qua, hậu quả để lại khá nặng nề. Mặc dù vậy, với sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, chính quyền và đồng bào dân tộc Hrê dưới chân núi Mum đã làm mới vùng đất này theo hướng “xanh hơn, đẹp hơn”. Bây giờ, con đường từ trung tâm huyện Minh Long lên xã Long Môn rộng rãi. Dọc tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện vùng tây Quảng Ngãi (Ba Tơ-Minh Long - Sơn Hà) là những ngôi nhà sàn mái ngói nằm san sát. Xen lẫn giữa những ruộng bậc thang óng ánh lúa vàng là vườn cây ăn trái trĩu quả. Tất cả đã tạo nên hình ảnh một vùng quê trù phú.
Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Văn Ói bày tỏ, Long Môn bây giờ không còn là nơi rừng sâu cách trở; đói nghèo lạc hậu cũng dần lùi xa. Đường sá, nhà cửa khang trang, điện sáng từ nhà ra ngõ. Người dân nơi đây đã học hỏi, áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả thay cho cây keo, cây mì. Nhiều hộ ở thôn Làng Giữa, Bãi Vẹt thực hiện mô hình kinh tế vườn- ao - chuồng - rừng và có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng mỗi năm. Toàn xã có hàng chục hộ có ô tô tải để thu mua, vận chuyển nông, lâm sản của người dân.
Điều đặc biệt là, có 80 hộ dân ở thôn Làng Ren, nơi được xem là “linh hồn” của núi Mum, đã lựa chọn hướng làm ăn theo cách mới: Làm du lịch sinh thái cộng đồng. Làng Ren sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng với 3 mặt là núi trùng điệp, có khu rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đặc biệt là, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở đây vẫn còn lưu giữ, nhất là kiến trúc nhà sàn ở Làng Ren được bảo tồn gần như nguyên bản, nằm nhấp nhô bên sườn đồi. Xen kẽ những ruộng bậc thang là vườn cây ăn quả xanh tốt càng làm cho Làng Ren trở nên hữu tình.
|
Thôn Làng Ren, xã Long Môn (Minh Long), ngày càng khang trang hơn. Ảnh: M.H |
Nói về kế hoạch đưa thôn Làng Ren trở thành điểm du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Xuân Hương bộc bạch, hướng đi này không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên. Thời gian đến, huyện sẽ cùng với người dân cải tạo nhà làm nơi lưu trú phục vụ du khách, tổ chức trang bị kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân. Huyện cũng sẽ tổ chức tham vấn ý kiến ngành chức năng và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng các tour du lịch khám phá rừng nguyên sinh theo hướng tôn trọng tự nhiên, tôn trọng bản sắc văn hóa và cộng đồng dân cư.
Không khí trong lành
Già làng Đinh Manh chia sẻ, người dân ở Làng Ren trồng lúa, trồng cây nhưng không ai dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Rừng già được gìn giữ cẩn thận nên nước suối trong vắt. Người dân chú trọng giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ. Nhờ đó đã thu hút nhiều du khách tìm đến Làng Ren để vui chơi, thư giãn...
|
MỸ HOA