Rất cần những "nhà nông học của làng"

11:06, 25/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi những thế hệ các “lão nông tri điền” cùng những kinh nghiệm “chân ruộng” đã ra đi, bây giờ nếu muốn “trí thức hóa nông dân” thì không thể làm đồng loạt ngay được, mà rất cần có những “nhà nông học của làng”. Trong thời đại 4.0, thành phần “nông học” ấy hầu hết là những người trẻ, những “thanh nông tri điền”.
 
Bởi những người trẻ có học, có chí lập nghiệp với nông thôn và nông nghiệp, thì hầu hết là những người muốn đưa công nghệ nông nghiệp mới về với làng quê. Tự họ làm trước, khi thành công, họ sẽ là những người dẫn dắt nông dân ở quê làm theo. Với nông dân, “trăm nghe không bằng một thấy”, họ phải thấy có người làm “nông nghiệp mới”, là “nông nghiệp xanh, sạch” mà thành công, có sản phẩm đạt chất lượng không chỉ vào được các siêu thị trong nước, mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tới những thị trường khó tính trên thế giới, thì mỗi lời nói, mỗi sự dẫn dắt, mỗi “kinh nghiệm làm ruộng” của những “thanh nông tri điền” ấy có sức thu hút và thuyết phục rất lớn với nông dân trong làng xã. 
 
Nông dân đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa.                                                      Ảnh: PV
Nông dân đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa. Ảnh: PV
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngày còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông đã chủ trương thành lập một tổ chức giản dị gọi là “Hội quán”, để nông dân trao đổi kinh nghiệm làm nông, giúp nhau làm nông đạt hiệu quả cao. Người đứng đầu những “Hội quán” ấy hầu hết là những nông dân đã thành công khi trồng lúa, trồng cây ăn quả, hay trồng hoa kiểng, nuôi hải sản. Trong đó, nổi lên những người trẻ có học, có chí làm giàu từ nông nghiệp, và có khả năng tiếp thu và đưa công nghệ nông nghiệp mới về làng xã mình. 
 
Những “Hội quán” bây giờ có khác với những “Tổ vần công” ngày trước ở miền Nam, nhưng lại giống nhau ở chỗ đều là tập hợp nông dân giúp nhau làm kinh tế. Hồi trước là vần công, đổi công, bây giờ là trao đổi kinh nghiệm, phổ biến những bí quyết làm nông nghiệp. Đó là một bước phát triển mới, vẫn là giúp nhau làm nông nghiệp, nhưng cách thức giúp nhau phù hợp hơn với thời đại nông nghiệp công nghệ cao.
 
Khi nào chúng ta có được những “hạt nhân trí tuệ nông nghiệp” như thế ở mỗi làng xã, chúng ta sẽ thu hút nông dân ở những nơi đó, và ước mơ “trí thức hóa nông dân” sẽ có cơ hội thành hiện thực. Việc này chỉ có “nông dân công nghệ cao” truyền đạt tri thức, kỹ năng cho “nông dân truyền thống” để thành phần đông đảo này tham gia làm nông nghiệp theo kiểu mới. Phải có những “nhà nông học của làng” như thế để thành những điểm sáng thu hút làm nông nghiệp thành công, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Tri thức luôn được lan tỏa một cách hợp lý, tự nguyện như thế, thấy người làm được mình làm theo, rồi mình thủ đắc được “tri thức nông nghiệp”.
 
Lâu nay, các cuộc tập huấn dù dài ngày hay ngắn ngày do các cơ quan chức năng tổ chức để trao truyền tri thức nông nghiệp cho nông dân chưa mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân, chính vì lối "giảng dạy kiến thức” kiểu cũ, không phù hợp với nông dân. Ngày xưa, các “lão nông tri điền” cũng không hề mở lớp giảng dạy nghề làm ruộng, nông dân tự tìm hiểu, rồi hỏi han, học trực tiếp kỹ năng từ các “bậc thầy của làng” mình. Nghề nông ngày xưa phát triển chính từ lối “cầm tay chỉ việc” trực tiếp như thế.
 
Có nhiều cách học, tự học hay học từ những người giỏi hơn mình để trở thành những nhà nông thành đạt. Bây giờ còn có Internet, có Google để tìm hiểu mọi kiến thức về nông học, cứ lên mạng là có thầy chỉ dạy rồi. Từ đó trở thành “trí thức nông dân” chứ đâu!
 
THANH THẢO
 

.