(Báo Quảng Ngãi)- Mấy mươi năm qua, dù lúc còn giảng dạy hay khi đã về hưu, bà Trịnh Thị Xuân Liên (60 tuổi) ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) vẫn âm thầm làm việc nghĩa.
[links()]
Người mẹ thứ hai của học trò nghèo
“Năm 2006, tôi thi đỗ Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Suốt 4 năm học đại học, cô Liên đã chu cấp, hỗ trợ tiền để tôi trang trải việc học", anh Nguyễn Sỹ Hào, quê xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) chia sẻ. Anh Hào là một trong 2 học sinh (HS) nghèo học giỏi, được bà Liên cưu mang, hỗ trợ để thực hiện ước mơ vào đại học.
|
Từ khi về hưu bà Trịnh Thị Xuân Liên thực hiện nuôi heo đất để tiết kiệm tiền ủng hộ người nghèo. Ảnh: H.THU |
Bà Liên nguyên là giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THCS Tịnh Ấn Tây. Chồng bà là giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THPT Bình Sơn. Cuộc sống của gia đình cô giáo Liên cũng chẳng khá giả, gần 15 năm sống trong khu tập thể của trường. Mãi đến năm 2000, vợ chồng cô mới mua được mảnh đất, cất ngôi nhà nhỏ. Lúc còn khó khăn, lương tháng đi dạy chẳng đủ nuôi hai con nhỏ, vợ chồng cô giáo Liên phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống. Cuộc sống của gia đình chật vật là thế, nhưng cô giáo Liên luôn thương yêu, giúp đỡ HS, nhất là HS nghèo vượt khó.
Lấy từ trong tủ chiếc thước dây đã cũ, bà Liên xúc động cho biết, ngoài giáo án thì chiếc thước dây này luôn theo tôi đến lớp. Dù lúc đó còn nghèo lắm, bữa đói bữa no nhưng cứ để ý thấy học trò nào đến lớp mặc chiếc áo cũ mèm là sau giờ học, tôi nói trò ở lại để lấy số đo, may tặng cho em áo mới. Lúc còn khó khăn, cô giáo Liên may áo, tặng sách vở cho HS. Khi kinh tế gia đình khá hơn, bà nghĩ đến việc cưu mang, hỗ trợ HS nghèo học giỏi vào đại học. “Ngày còn nghèo khó, thấy nhiều em học giỏi nhưng phải dang dở ước mơ vào đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi ước sao mình có tiền để lo cho các em ăn học. Bởi vậy, khi kinh tế gia đình ổn định hơn, tôi bàn với chồng để được thực hiện mong ước nuôi học trò nghèo", bà Liên bộc bạch.
“Gia đình tôi cũng một thời gian khó nên tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo. Xuất phát từ trái tim, với sự đồng cảm và sẻ chia, tôi muốn đóng góp chút công sức cùng với xã hội chăm lo cho người nghèo, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống".
Bà
TRỊNH THỊ XUÂN LIÊN
ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi)
|
Nhờ sự giúp đỡ của bà Liên, anh Nguyễn Sỹ Hào và chị Phạm Thị Hoa đã lấy được tấm bằng cử nhân. Anh Hào hiện làm bên ngành công nghiệp gỗ ở TP.Hồ Chí Minh. Còn chị Phạm Thị Hoa là giáo viên dạy toán ở Trường THPT Vạn Tường. Không chỉ hỗ trợ, đồng hành suốt chặng đường học đại học, bà Liên còn là người mẹ thứ hai của anh Hào, thường xuyên động viên trong cuộc sống. “Cha tôi mất sớm, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, tôi tưởng chừng phải nghỉ học và không nghĩ mình có thể học đại học. Nhưng nhờ cô Liên, suốt 4 năm, tháng nào cô cũng gửi cho tôi một triệu đồng để trang trải sinh hoạt. Lo ăn học xong, đến khi tôi có việc làm ổn định, cô còn lo cả chuyện cưới vợ cho tôi. Ơn của cô thầy như biển trời, không biết làm sao mà kể hết”, anh Hào xúc động nói.
Ngày cưới của anh Hào, hai vợ chồng bà Liên vào tận TP.Hồ Chí Minh tổ chức hôn lễ cho anh. Bà Liên còn dành dụm tiền làm chiếc vòng cổ bằng vàng để tặng vợ chồng anh trong ngày trọng đại như là món quà của cha mẹ dành cho con. Bà Liên vui mừng nói, thấy vợ chồng Hào sống hạnh phúc, tôi rất vui, không có sự đền đáp nào bằng. Tôi thương Hào như con ruột của mình!
Lặng lẽ giúp ích cho đời
Không chỉ yêu thương, giúp đỡ HS nghèo, bà Liên thường xuyên sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Từ khi Đài PT-TH Quảng Ngãi phát sóng chương trình “Kết nối những tấm lòng”, suốt những tháng năm dài, bà Liên theo dõi và đóng góp tiền để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
|
Bà Trịnh Thị Xuân Liên dự lễ cưới của anh Nguyễn Sỹ Hào, người được bà nuôi trong suốt 4 năm học đại học. Ảnh: NVCC |
“Chắc phải chục năm, cứ đều đặn vào thứ Ba hằng tuần, hết tiết dạy trên lớp là tôi lại mang ít tiền qua Đài PT-TH Quảng Ngãi để ủng hộ các hoàn cảnh nêu trong chương trình. Trung bình mỗi hoàn cảnh tôi ủng hộ 200 - 300 nghìn đồng. Với những trường hợp thương tâm hơn thì ủng hộ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Chẳng có hoàn cảnh nào tôi bỏ sót”, bà Liên nói.
Cứ mỗi lần mang tiền đi ủng hộ, bà Liên lại cầm về một tờ phiếu thu và cất vào trong hộc bàn. Đến giờ, bà chẳng đếm xuể có bao nhiêu tờ phiếu thu, chỉ biết là xấp giấy ấy đã đầy ắp trong hộc. “Tôi già rồi nên chẳng rành công nghệ, chuyển tiền qua các ứng dụng nên đến giờ vẫn đi xe đến Đài PT-TH để ủng hộ. Cứ còn đi xe máy được là tôi còn ủng hộ chương trình, còn sẻ chia với những người nghèo”, bà Liên bày tỏ.
Làm việc nghĩa đã mấy chục năm, thế nhưng bà Liên bảo, những chuyện đó chẳng có gì to tát để kể. Bởi thế mà bà cứ lặng lẽ, âm thầm giúp đỡ người nghèo khó, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
Tiết kiệm để hỗ trợ người nghèo
Vợ chồng bà Liên đều đã về hưu, kinh tế gia đình chẳng phải giàu có. Thế nhưng, nhiều năm qua, bà vẫn luôn ủng hộ nhiều chương trình từ thiện do các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức. Bà Liên trải lòng, tôi về hưu đã 5 năm và cũng từ đó tôi tiết kiệm chi tiêu, nuôi heo đất để có tiền ủng hộ các chương trình từ thiện, trao quà cho HS nghèo.
Cứ đều đặn vào tháng 5, sắp đến ngày bế giảng năm học, bà Liên lại đập heo để mang tiền đến ủng hộ Hội Khuyến học xã và Trường THCS Tịnh Ấn Tây mua sách vở trao thưởng cho HS. Trung bình mỗi năm, bà tặng hơn trăm suất quà, trị giá gần 3 triệu đồng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Ấn Tây Bùi Thị Lệ Thủy cho biết, tôi may mắn từng là học trò của cô Liên. Cô Liên có tấm lòng nhân ái, hết lòng yêu thương HS. Cô thường xuyên mua sách vở tặng HS nghèo. Đến khi tôi công tác tại địa phương, kêu gọi mọi người ủng hộ các chương trình "Vì phụ nữ nghèo", "Tết yêu thương"… thì cô luôn là người tiên phong.
|
HIỀN THU