Hóa giải bất đồng bằng tình cảm

10:03, 24/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mưa dầm thấm lâu, đi sâu, hiểu sát... những “trọng tài” chuyên giải quyết tranh chấp đất đai ở huyện Trà Bồng đã tháo gỡ nhiều vụ việc tranh chấp đất kéo dài nhiều năm, làm cho tình làng, nghĩa xóm thêm gắn kết.
 
Vẹn cả đôi đường
 
Một buổi tối cuối tháng 7/2021, cán bộ xã Trà Phú và huyện Trà Bồng phải vào tận miếu Phú Thứ, xã Trà Phú để họp với 35 hộ dân Phú Tài đang canh tác trên đất lâm nghiệp do UBND xã Trà Giang quản lý. Mong muốn của chính quyền là vận động các hộ dân ở Trà Phú trả lại đất cho xã Trà Giang. Bởi lẽ, từ nhiều năm qua, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm hướng tháo gỡ vấn đề này, nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
 
Huyện Trà Bồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thôn Trà Huynh, xã Hương Trà sau khi hòa giải thành công vụ tranh chấp đất đai.
Huyện Trà Bồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thôn Trà Huynh, xã Hương Trà sau khi hòa giải thành công vụ tranh chấp đất đai.
Người chủ trì cuộc họp đêm hôm đó là Bí thư Đảng ủy xã Trà Phú Võ Tiến Thế đã từ tốn giải thích với 35 hộ dân thôn Phú Tài rằng, họ đang canh tác trên đất lâm nghiệp TK41 và TK43, giờ phải giao 14/55,8ha đất này lại cho UBND xã Trà Giang, để xã cấp cho 14 hộ dân ở thôn 2, xã Trà Giang chuẩn bị rời làng về ở tái định cư, rất cần đất sản xuất. Cả 14 hộ dân này đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn...
 
Nhu cầu cấp đất cho 14 hộ dân ở xã Trà Giang là cấp thiết và chính đáng. Người dân cũng hiểu việc giao lại đất cho xã Trà Giang là đúng pháp luật. Song 35 hộ dân ở thôn Phú Tài vẫn chần chừ, vì cho rằng đất này do họ khai khẩn, sản xuất đã lâu, giờ phải giao lại cho các hộ dân khác nên ai cũng nấn ná, nên khi chính quyền vận động người dân giao đất thì gặp trở ngại. Vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm, nếu áp dụng luật một cách cứng nhắc trong quá trình giải quyết sẽ dễ nảy sinh “điểm nóng”, gây bất hòa trong cộng đồng. Bởi vậy, huyện Trà Bồng khéo léo gỡ khó vụ việc bằng cách kiên trì vận động, tìm hướng giải quyết thấu tình đạt lý, nhằm tạo được sự đồng thuận trong dân. Nhờ đó, đến nay 35 hộ dân ở thôn Phú Tài đã thống nhất giao lại 14ha đất cho chính quyền để cấp cho các hộ dân thôn 2, xã Trà Giang.
 
Anh Võ Văn Anh, ở thôn Phú Tài, xã Trà Phú, là một trong những hộ tiên phong giao lại đất cho người dân xã Trà Giang.
Anh Võ Văn Anh, ở thôn Phú Tài, xã Trà Phú, là một trong những hộ tiên phong giao lại đất cho người dân xã Trà Giang.
Anh Võ Văn Anh, ở thôn Phú Tài, người thống nhất giao đất khi được chính quyền vận động bảo rằng, tôi và nhiều hộ dân thống nhất giao lại một phần đất đang canh tác cho người dân ở thôn 2, xã Trà Giang sản xuất. Dù ai cũng tiếc nhưng việc chính quyền vận động chúng tôi giao lại đất cho người dân tái định cư ở xã Trà Giang là đúng. Phải giao đất, nhưng tôi thấy tâm tư, nguyện vọng của mình được lắng nghe, được chính quyền tìm cách giải quyết. Vậy là trọn vẹn! Bởi cái gì đúng thì mình theo. Hơn nữa, các hộ dân chuẩn bị tái định cư đều thuộc diện hộ nghèo, nên tôi cũng muốn họ có đất sản xuất để ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
 
Nhớ lại chuyến dân vận trong đêm ấy, Chủ tịch UBND xã Trà Phú Đặng Ngọc Hoàng cho biết, sở dĩ phải tổ chức họp các hộ dân ban đêm là vì ban ngày người dân bận đi làm rẫy. Tổ chức họp ban đêm, người dân dự họp đông đủ hơn. “Công tác ở miền núi đã lâu nên tôi biết tranh chấp đất đai bao giờ cũng “nóng”, cũng áp lực. Bởi nó liên quan đến sinh kế của nhiều hộ gia đình và ai cũng có cái lý của mình. Bởi vậy, bản thân người đứng đầu chính quyền cũng đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu dân hơn trong quá trình xử lý vụ việc”, ông Hoàng bày tỏ.
 
Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở
 
Nhà cách khu đất canh tác khoảng 8km, đường đi khó khăn, ít được các hộ dân quan tâm, bảo vệ, nên gần 3,2ha đất sản xuất của hàng chục hộ dân ở thôn Vàng, xã Trà Tây bị người dân thôn Quế, xã Trà Bùi xâm canh suốt hơn 2 năm. Điều này dẫn đến nhiều người dân thôn Vàng mất đất sản xuất. Nhiều lần các hộ dân thôn Vàng cất công lên tận nơi để đòi lại nhưng bất thành. Anh Hồ Văn Linh, ở thôn Vàng bảo, lên trông coi đất thì bất ngờ thấy người khác đã trồng lúa trên thửa đất gần 2 sào của mình lúc nào không hay. Tôi đi hỏi thăm ai đã gieo trồng trên thửa đất của gia đình mình, nhưng ai cũng lắc đầu.
 
Anh Hồ Văn Linh (phải) và anh Hồ Văn Vỹ, ở thôn Vàng, xã Trà Tây kể lại chuyện được người dân thôn Quế, xã Trà Bùi trả lại đất xâm canh sau khi được chính quyền vận động.
Anh Hồ Văn Linh (phải) và anh Hồ Văn Vỹ, ở thôn Vàng, xã Trà Tây kể lại chuyện được người dân thôn Quế, xã Trà Bùi trả lại đất xâm canh sau khi được chính quyền vận động.
Thấy đất vô cớ bị chiếm dụng, nhiều người thẳng thắn bảo anh Linh cứ nhổ bỏ hết hoa màu mà người khác đã trồng trên đất nhà anh. Nhưng anh Linh cho rằng, nhổ bỏ hoa màu của người khác trồng trên đất nhà mình thì không sai, nhưng người dân ở thôn Quế còn nghèo, nên họ mới canh tác trên đất của mình. Bụng dạ nào mà nỡ phá bỏ số hoa màu ấy! “Không chỉ tôi, mà hàng chục hộ dân trong thôn có đất bị người khác xâm canh cũng không ai làm như thế. Đúng cái lý mà “gãy” cái tình chúng tôi không làm được!”, anh Linh nói rõ lòng mình.
 
Tự mình xoay xở không xong, các hộ dân thôn Vàng đã nhờ chính quyền địa phương giúp họ đòi lại đất. Lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, UBND xã Trà Tây đã phối hợp với UBND xã Trà Bùi cùng các già làng uy tín đi bộ gần 2 giờ đồng hồ vào khu vực đất bị người khác xâm canh để tìm hiểu vụ việc. Chính quyền và những người uy tín đã nhanh chóng vận động các hộ dân dừng ngay việc xâm canh trên đất của người khác. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tây Hồ Thanh Vương cho hay, nói là dừng ngay, nhưng lúc ấy cũng phải du di cho các hộ xâm canh thu hoạch xong vụ lúa, sau đó mới yêu cầu trả lại đất. Đụng đến sinh kế của người dân, chúng tôi phải đến tận nơi tìm hiểu cặn kẽ vụ việc thì mới giải quyết ổn thỏa.
 
Ở miền núi, đất canh tác thường được phân định bằng ranh giới tự nhiên. Từ ngày cây keo lên giá, đất cũng tăng giá trị. Bởi vậy, tình trạng tranh chấp đất sản xuất trở thành vấn đề nổi cộm. Nếu không kịp thời tháo gỡ những bất cập trong tranh chấp, thì hệ lụy để lại rất nặng nề. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Trà Bồng luôn chú trọng tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích khi giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Quá trình "dân vận khéo" của những người “cầm cân nảy mực” đã mang lại kết quả rõ rệt. Rất nhiều vụ việc tranh chấp đất đai sau khi được chính quyền tổ chức đối thoại, hòa giải đã nhận được sự đồng thuận của người dân.
 
Công tác dân vận được hướng mạnh về cơ sở, những mảnh đất đã trở về với chủ nhân thật sự khi được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), giúp người dân an tâm sản xuất, những bất hòa vì đất đai trong cộng đồng cũng được xoa dịu. Cầm sổ đỏ trên tay, nhiều người dân xúc động, bởi sau nhiều năm đằng đẵng chờ đợi họ mới có cái kết có hậu. Còn đối với chính quyền, mỗi sổ đỏ cấp cho người dân là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ trong quá trình gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe người dân nói để giải quyết những vấn đề “nóng” từ cơ sở.
 
Linh hoạt, mềm mỏng
 
Theo Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo, ở các huyện miền núi, ranh giới đất đai cũng như tập quán sản xuất của người dân rất đặc thù. Bởi vậy, việc đối thoại giải quyết tranh chấp phải mềm mỏng nhằm giảm vụ việc khiếu kiện về đất đai. Tranh chấp đất kéo dài như ở thôn Trà Huynh, xã Hương Trà và thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm; hay tranh chấp đất giữa người dân xã Trà Tây và Trà Bùi... (đều thuộc huyện Trà Bồng) đã được chính quyền giải quyết tương đối ổn thỏa. “Nhiều vụ việc tranh chấp sau khi được hòa giải, huyện đã vận động người dân cùng chính quyền tiến hành trồng cây gỗ lớn để tạo môi trường sinh thái, giữ nguồn nước ngầm và phát triển kinh tế về sau, tạo thành nơi có lợi ích chung cho cộng đồng”, ông Thảo nói.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 
 
 
 

.