Cần sự thống nhất về chương trình đào tạo (kỳ 1)

11:11, 17/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Học nghề kết hợp với học văn hóa trong trường nghề đang là lựa chọn của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Kết quả này là nhờ các đơn vị trường học làm tốt công tác “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018 - 2025”. Tuy nhiên, để thu hút ngày càng nhiều học sinh theo học nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan cần có sự thống nhất về nội dung, chương trình dạy văn hóa trong trường nghề.
 

Kỳ 1: Trường nghề thu hút học sinh

Các trường nghề ở Quảng Ngãi thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo; mở một số ngành nghề mới, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Xu hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đang là mục tiêu của các trường nghề. Học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp trường nghề có cơ hội việc làm cao. Với cách làm này, các trường nghề đã thu hút ngày càng đông HS theo học.

Nhu cầu lao động có tay nghề tăng cao
 
Hằng năm, các doanh nghiệp (DN) tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh có nhu cần tuyển dụng từ 12 - 15 nghìn lao động (LĐ), nhất là LĐ có tay nghề để đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển, mở rộng quy mô.
 
Học viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất trong giờ học thực hành.                             Ảnh: X.Hiếu
Học viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất trong giờ học thực hành. Ảnh: X.Hiếu
Nhiều trường nghề trong tỉnh đã tổ chức đào tạo ngành nghề mà DN có nhu cầu như công nghệ ô tô, hàn, may, cơ khí, lọc hóa dầu... Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để HSSV thực tập tại cơ sở sản xuất, giúp các em tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỷ luật lao động và học tập văn hóa DN... Các trường nghề cũng ký cam kết đảm bảo việc làm cho HSSV sau khi ra trường và giúp DN chủ động được nguồn LĐ. 
 
Là một trong những DN có sự liên kết đào tạo và tuyển dụng LĐ từ các trường nghề, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) đánh giá chất lượng của học viên có tay nghề khá tốt. “Trong thời gian đầu thành lập công ty, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất về tuyển dụng LĐ, hỗ trợ đánh giá thi tay nghề HSSV. Ngoài ra, Doosan Vina cũng giúp đào tạo giảng viên Trường Cao Đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi”, Trưởng bộ phận Quan hệ công chúng Doosan Vina Lê Thị Diệu Linh cho biết. 
 
Nhiều HSSV sau khi tốt nghiệp trường nghề đã có việc làm ổn định với mức lương khá. Đó là lý do mà anh Nguyễn Đinh Xuân Huy (25 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã quyết định chọn học nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp, anh Huy làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. “Tôi chọn học nghề. So với các bạn cùng lứa thì tôi có công việc ổn định sớm hơn và mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng. Tôi thấy quyết định học nghề của mình là đúng, nên đã tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ những người bạn trong quân ngũ tham gia học nghề như mình", anh Huy chia sẻ.
 
Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi có nhiều ngành nghề mới thu hút học viên theo học.            Ảnh: Tr.Phương
Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi có nhiều ngành nghề mới thu hút học viên theo học. Ảnh: Tr.Phương
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, mỗi năm trung bình có khoảng 80% HS hoàn thành chương trình THCS tiếp tục học tại các trường THPT. Còn lại, các em học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Việc HS tiếp tục học phổ thông hoặc tham gia học nghề sẽ đánh giá được hiệu quả của việc phân luồng HS sau bậc THCS. Bên cạnh đó, việc HS vào học các trường nghề để có nghề nghiệp ổn định sau khi ra trường sẽ  giảm, tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi LĐ. Vì thế, việc phân luồng HS ngay sau hoàn thành chương trình THCS để các em vào học các trường nghề là giải pháp hữu hiệu.
 
Ưu việt của "mô hình 9+"
 
Những năm gần đây, các trường nghề tiếp nhận khá đông HS tốt nghiệp THCS vào học nghề. Như năm học 2020 - 2021, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi đã tuyển trên 1.000 HSSV. Trong số này có hơn 800 HS tốt nghiệp THCS. Số HSSV theo học tại trường cũng tăng 40% so với 4 năm trước. Điều đáng ghi nhận là, hiện nay chương trình phổ thông cao đẳng hay còn gọi là "mô hình 9+" đang nhận được sự quan tâm rất nhiều từ phụ huynh và HS.
 
Anh Nguyễn Đinh Xuân Huy, sau khi tốt nghiệp trường nghề được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.                                                    Ảnh: X.Hiếu
Anh Nguyễn Đinh Xuân Huy, sau khi tốt nghiệp trường nghề được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: X.Hiếu
Từ khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (ngày 1/7/2020), HS tốt nghiệp THCS có quyền đăng ký thẳng hệ đào tạo cao đẳng thay vì phải học qua trình độ trung cấp. Đây là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi HS tốt nghiệp THCS, có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao hơn, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và tại Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN. Hiện "mô hình 9+" đã được triển khai tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được xem là hướng đi hiệu quả trong việc tháo gỡ nút thắt phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tại Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
 
Theo thạc sĩ Nguyễn Duy Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, nếu HS chọn tiếp tục theo học THPT sau đó mới học trung cấp, cao đẳng thì phải mất 5 - 6 năm mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng cao đẳng, học phí cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng nếu học theo "mô hình 9+", HS tốt nghiệp THCS chỉ cần học tổng thời gian khoảng 3,5 năm. Vừa học nghề, vừa học 7 môn văn hóa, các em sẽ có bằng cao đẳng khi các em thi đủ và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cũng là một trong những trường đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm tuyển sinh HS tốt nghiệp THCS vào học cao đẳng nghề theo "mô hình 9+".
 
Học xong lớp 9, em Trần Ngọc Sơn, ở TP.Quảng Ngãi, có dự định theo học trung cấp nghề. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ, em Sơn được tư vấn học "mô hình 9+" hệ cao đẳng. Vì thế, em Sơn đã quyết định rẽ hướng sang học nghề bảo trì cơ khí hệ cao đẳng tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. “Em thấy học hệ 9+ có lợi hơn rất nhiều. Em vừa được học văn hóa, vừa được đào tạo nghề và được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như giảm học phí, vay vốn ngân hàng... Hiện nhu cầu LĐ có tay nghề chất lượng cao ở tỉnh rất nhiều. Vì thế, em tin rằng mình sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp”, em Sơn nói.
 
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi Nguyễn Tưởng Duy cho rằng, sau thời gian học nghề, các em sẽ nhận bằng tốt nghiệp nghề chính quy và có thể đi làm ngay hoặc học liên thông bậc cao hơn. Có thể thấy, đây là hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới.
 
TRỊNH PHƯƠNG - XUÂN HIẾU
-----------
Kỳ 2: Phát sinh nhiều bất cập
 
 
 
 

.