Về nơi người Cor tiễn đưa Bác

01:09, 12/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Về thôn Trà Linh, xã Hương Trà (Trà Bồng) vào những ngày mùa thu tháng Tám này, chúng tôi không khỏi xúc động trước lòng tri ân sâu sắc của đồng bào Cor nơi đây đối với Bác Hồ.
[links()]
 
Vẹn nguyên trong ký ức
 
Trong căn nhà nhỏ, già làng Hồ Văn Sỹ mắt rưng rưng, tay cầm di ảnh Bác Hồ cẩn thận lau những hạt bụi trên tấm ảnh Bác rồi nhẹ nhàng đặt lại lên tủ, lấy nén nhang thành khẩn thắp lên. Những ký ức của già Sỹ - người từng có mặt tại buổi lễ truy điệu Bác Hồ tại chiến khu Trà Lãnh cách đây 52 năm lại ùa về.
 
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo gặp gỡ, nói chuyện với già làng Hồ Văn Sỹ (đầu tiên bên phải), người từng dự lễ truy điệu Bác Hồ tại chiến khu Trà Lãnh.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo gặp gỡ, nói chuyện với già làng Hồ Văn Sỹ (đầu tiên bên phải), người từng dự lễ truy điệu Bác Hồ tại chiến khu Trà Lãnh.
Ngày lịch sử của đồng bào Cor được già làng Hồ Văn Sỹ nhớ như in, đó là ngày 9/9/1969. Ngày ấy, già Sỹ còn là một chàng lính trẻ, tham gia chiến đấu cùng đồng đội khắp các vùng núi ở miền tây Quảng Ngãi. Khi nghe tin Bác mất, chiến sĩ Hồ Văn Sỹ cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, người dân từ căn cứ Trà Phong đã đốt đuốc, băng rừng xuyên đêm để kịp về chiến khu Trà Lãnh (nay là xã Hương Trà) tham dự lễ truy điệu Bác Hồ. Bức tượng Bác Hồ tạc từ thân cây quế được đồng bào trang trọng đặt lên bàn thờ để mọi tấm lòng cùng hướng về Người. Sở dĩ người Cor Trà Bồng chọn cây quế để tạc tượng cho Bác, là vì cây quế  đại diện cho chính linh hồn, là tài sản quý giá gắn liền với cuộc sống của dân làng.
 
“Ðối với người Cor không có điều gì đau thương, mất mát bằng khi nghe tin Bác mất. Hôm ấy, cả chiến khu Trà Lãnh hòa trong nước mắt, nhưng không ai dám khóc to, mọi người yên lặng, lắng nghe di chúc của Người và điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lúc dự lễ truy điệu Bác, mình mới ngoài 20 tuổi. Tuy chưa từng được gặp Bác, nhưng những câu chuyện, lời dạy, sự hy sinh của Người đối với dân tộc đã thấm trong máu thịt. Đối với mình, đó là một ngày đáng nhớ, một ký ức thiêng liêng không bao giờ quên”, già làng Hồ Văn Sỹ nhớ lại.
 
Tại buổi lễ này, các già làng người Cor đã đề đạt nguyện vọng của đồng bào “muốn mang họ Bác Hồ”, thể hiện tấm lòng trung kiên với Ðảng, ghi nhớ công ơn và làm theo lời dạy của Bác Hồ. Khi nhận được đề nghị thiêng liêng, tha thiết của đồng bào, Trung ương Ðảng đã đồng ý cho dân tộc Cor mang họ Hồ. Từ đó đến nay, người Cor vinh dự và tự hào được mang họ Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
“Từ khi mang họ Hồ, mọi suy nghĩ, hành động của người Cor đều hướng về Bác. Bác dạy như thế nào mình nhớ hết và làm theo, dạy dỗ con cháu mình như thế đấy. Phải biết đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, phải học cái chữ để mai này giúp đồng bào mình thoát nghèo. Mình cũng khuyên lớp trẻ khi lập gia đình không nên sinh nhiều con để có điều kiện chăm lo cho cuộc sống và nuôi con cái ăn học đàng hoàng, không để đói chữ".
Già làng HỒ VĂN SỸ
Người Cor làm theo lời Bác
 
Sau ngày giải phóng, đồng bào Cor ở làng Lóa, chiến khu Trà Lãnh đã chuyển xuống dựng nhà dọc theo tuyến đường chính về trung tâm xã Hương Trà ngày nay. Những ngôi nhà sàn được lợp ngói đỏ tươi mọc lên ngày càng nhiều. Trong mỗi ngôi nhà đồng bào Cor, có thể còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng không bao giờ thiếu ảnh Bác Hồ.
 
Trên ngọn núi cao, nơi chiến khu xưa giờ đã phủ một màu xanh của quế, keo. Hướng tầm mắt về phía đông nam là dãy núi Cà Đam sừng sững giữa đại ngàn. Dưới chân núi, những thửa ruộng bậc thang đang trải dài một màu xanh thẳm. Dọc theo các triền đồi, những rẫy chè cổ thụ vẫn vươn mình, phát triển tươi tốt. Nhiều cây đã sống với đồng bào Cor qua nhiều đời, có cây nơi rừng sâu lên đến gần trăm tuổi. Nhận thấy giá trị từ cây chè mang lại, người dân nơi đây đang tập trung chăm sóc, cải tạo lại các vườn chè cũ và trồng thêm những vườn chè mới, để tạo sinh kế bền vững.
 
Đường về xã Hương Trà (Trà Bồng) đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương.
Đường về xã Hương Trà (Trà Bồng) đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương.
Người Cor ở Trà Bồng bao đời nay luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Tinh thần đó không chỉ thể hiện trong công cuộc giải phóng dân tộc, mà còn biểu hiện rõ nét trong việc xây dựng quê hương. Trên hành trình giảm nghèo của huyện Trà Bồng dẫu còn lắm gian nan, nhưng với truyền thống cách mạng, với lời thề suốt đời theo Đảng, theo Bác Hồ, người Cor ở đây không bao giờ cam chịu đói nghèo. 
 
Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, diện mạo của huyện miền núi Trà Bồng đã có nhiều thay đổi. Điều đáng mừng là người dân đã dần bỏ cách làm ăn lạc hậu, thay vào đó là biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương buôn bán, tăng giá trị nông sản do người dân làm ra, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường. Bên cạnh phương tiện xe cá nhân, đã có thêm xe dịch vụ giúp người dân đi lại thuận tiện khi có nhu cầu, kéo gần khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng. 
Anh Hồ Văn Khải, một nông dân trẻ làm kinh tế giỏi ở thôn Trà Linh, xã Hương Trà chia sẻ, bây giờ đường sá thuận lợi, xe lớn chạy về tận làng nên cây keo, cây quế, cây chè xanh cũng có giá hơn trước. Mình còn trẻ, còn khỏe phải chăm chỉ làm ăn, không thể để cái nghèo đeo bám mãi.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Hương Trà Hồ Văn Xuyên, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng so với trước, đời sống của đồng bào Cor nơi đây đã có nhiều đổi thay. Với thế hệ những người Cor trẻ tuổi, trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, được Ðảng và Nhà nước đào tạo, rèn luyện, khi nhắc đến sự kiện người Cor vinh dự mang họ Bác Hồ, đã thể hiện niềm tự hào gắn với ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, không ngừng nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ra sức rèn luyện để tiếp bước truyền thống của cha ông, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Dù Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng những câu chuyện, lời dạy, hình ảnh của Người vẫn mãi ở trong trái tim của đồng bào Cor mang họ Bác Hồ ở miền tây Quảng Ngãi. Tình cảm ấy vẫn luôn vẹn nguyên, kiêu hãnh như ngọn núi Cà Đam bao phủ giữa mây ngàn, như rừng Trà Bồng vẫn nồng nàn hương quế... 
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.