Phòng, chống sạt lở ở miền núi: Cần những giải pháp căn cơ

08:11, 29/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở miền núi vào mùa mưa, bão trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước. Việc sơ tán, di dời dân để đảm bảo an toàn chỉ là việc tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp mang tính chiến lược, toàn diện.
[links()]
Ưu tiên tái định cư
 
Sau những cơn mưa lớn kéo dài, một số địa phương ở xã Sơn Long, Sơn Bua (Sơn Tây), Trà Hiệp, Trà Lâm (Trà Bồng)... xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng. Tại những khu vực này, đều có một điểm chung là đất tơi xốp, đồng thời chủ yếu là rừng keo của người dân, một loại cây kinh tế vốn không có tác dụng giữ đất. Nhà ở của người dân thì nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng keo bạt ngàn, nên khi có mưa lớn kéo dài gặp đất tơi xốp sẽ “ngậm” nước rất nhanh, khiến đất "chảy" như thác lũ, uy hiếp nhà cửa, thậm chí làm nhiều ngôi nhà bị xóa sổ trong chốc lát. 
Sạt lở núi uy hiếp nhà cửa của người dân thôn Cưa, xã Trà Hiệp (Trà Bồng).
Sạt lở núi uy hiếp nhà cửa của người dân thôn Cưa, xã Trà Hiệp (Trà Bồng).
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho hay: "Trong những năm qua, địa phương có 56 hộ dân sống trong vùng sạt lở. Mùa bão, lũ họ phải đến ở tạm nhà người thân. Qua kiểm tra chúng tôi thấy ngọn núi ở khu dân cư Huy Duỗi, thôn Ra Pân có nhiều vết nứt rất lớn. Vì vậy, chỉ còn cách xây dựng nhà tái định cư ở vị trí an toàn cho các hộ dân này để họ đến sinh sống ổn  định".
 
Nhà mất, nhiều người dân ở huyện miền núi đang phải ở xen ghép nhà người thân hoặc tá túc ở nhà văn hóa thôn, xã mỗi khi có mưa lớn, làm cuộc sống bị xáo trộn. Trong chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở trong cơn bão số 13 ở huyện Sơn Tây, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Võ Văn Quỳnh cho hay, trung ương và tỉnh sẽ hỗ trợ huyện Sơn Tây xây dựng lại nhà ở cho các hộ dân có nhà bị thiệt hại nặng sau bão, lũ vừa qua. Về lâu dài, sẽ hỗ trợ xây dựng các điểm tái định cư ở vị trí an toàn, để các hộ dân sớm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
 
Khoanh vùng cảnh báo sớm
 
Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, PGS.TS Trần Tân Văn cho biết: Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã điều tra cảnh báo sớm hiện tượng sạt lở đất. Chính phủ đã có đề án điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo về sạt lở. Năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành điều tra hiện trạng và xây dựng một số bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở. Riêng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, vào các năm 2019 và 2020 đã về Quảng Ngãi để điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở, qua đó nhận thấy địa hình tỉnh Quảng Ngãi khá phức tạp. 
Nhiều nhà của người dân ở thôn Mang He, xã Sơn Bua (Sơn Tây) bị sập do sạt lở núi.
Nhiều nhà của người dân ở thôn Mang He, xã Sơn Bua (Sơn Tây) bị sập do sạt lở núi.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, sau đợt bão, lũ vừa qua, có thể thấy Quảng Ngãi là địa phương làm tốt công tác vận động sơ tán, di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá, nhằm phòng tránh và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của dân.
 
Để giảm tình trạng sạt lở đất, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản khuyến cáo các địa phương phải nỗ lực, chủ động sử dụng những bản đồ về hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở, đồng thời tích hợp bản đồ này vào trong những quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh quy hoạch sao cho an toàn, hợp lý. Vị trí nào có nguy cơ sạt lở núi cao thì chính quyền không nên quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa hay khu tái định cư. Những vị trí đó chỉ nên trồng rừng phòng hộ.
 
"Những bản đồ này được sử dụng trong ứng phó khẩn cấp trước các trận mưa bão để tiến hành sơ tán, di dời dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển giao kết quả, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cộng đồng... Theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, chúng tôi đang xây dựng dự án về quan trắc cảnh báo sớm, dự định sẽ chọn một số vị trí sườn dốc có nguy cơ cao và bên dưới sườn dốc có dân cư sinh sống để tiến hành quan trắc cảnh báo sớm. Những bản đồ về nguy cơ sạt lở đất sau 3 tới 5 năm phải làm lại và chuyển giao lại. Vì các nội dung cảnh báo cần điều chỉnh, cần thay đổi sau mỗi đợt mưa lũ", PGS.TS Trần Tân Văn cho biết.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 
 
 

.