Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, miền núi: Tính toán hiệu quả, tránh lãng phí

02:10, 08/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn, miền núi, Quảng Ngãi đã tận dụng nhiều nguồn lực đầu tư hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, rất nhiều công trình có quy mô đã không mang lại hiệu quả, đặt ra nhiều vấn đề trong việc đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.
Nhiều công trình tiền tỷ không phát huy tác dụng
 
Đến nay, Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng 479 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó có 451 công trình triển khai tại miền núi, với tổng số vốn khoảng 500 tỷ đồng. Sau khi đưa vào vận hành, đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số vùng nông thôn, góp phần hoàn thiện tiêu chí hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước đảm bảo vệ sinh lên 93%. Tuy nhiên, do công tác quản lý, vận hành, các công trình nước sinh hoạt của một số địa phương còn lỏng lẻo, không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng kịp thời khi có hư hỏng nhỏ, dẫn đến các công trình nhanh xuống cấp, không hoạt động được. 
 
Giếng nước trong khu tái định cư Đồng Tranh, xã Long Mai (Minh Long) chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Giếng nước trong khu tái định cư Đồng Tranh, xã Long Mai (Minh Long) chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong số 479 công trình cấp nước nói trên chỉ có 28 công trình hoạt động tương đối bền vững. Đáng chú ý, 451 công trình triển khai tại miền núi không có công trình nào hoạt động bền vững và có đến 131 công trình không hoạt động.
 
Những năm qua, HĐND các cấp đã tổ chức giám sát việc đầu tư, vận hành các công trình này, song ngoài nhắc nhở, kiểm điểm, quy trách nhiệm, thì không có biện pháp để khắc phục, sửa chữa, đưa vào khai thác hiệu quả như mục tiêu ban đầu đề ra. Thậm chí, nhiều công trình cấp nước nằm trong hạng mục của các dự án tái định cư cho dân vùng sạt lở, với tổng đầu tư hàng tỷ đồng cũng không phát huy hiệu quả. Người dân sau khi di dời vào khu tái định cư phải tự đầu tư đường ống dài cả trăm mét dẫn nước từ khe suối về dùng, như khu tái định cư Đồng Tranh, xã Long Mai (Minh Long) do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Việc thiếu nước sinh hoạt, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn của người dân tái định cư càng trở nên khó khăn hơn.
 
Những công trình vốn nhỏ, hiệu quả cao
 
Mùa hạn năm nay, người dân thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ) không còn phải vất vả cõng nước từ suối về. Chị Phạm Thị Un, người dân thôn Nước Giáp bảo rằng: "Giờ không phải đi suối cõng nước nữa rồi. Giếng ở ngay trong làng, chúng tôi tha hồ nấu ăn, tắm giặt". Giếng nước này có vốn đầu tư khoảng 270 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình Giảm nghèo Tây Nguyên. Khi xây dựng, chính quyền cùng người dân bàn bạc, khoan thử nhiều lần để chọn vị trí đào giếng thích hợp nhất. Kể từ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, giếng đầy nước quanh năm. 
 
Bí thư Đảng ủy xã Ba Khâm Phạm Văn Xui cho biết: "Ba Khâm là nơi có mức độ hạn hán cao nhất, nhì tỉnh. Hằng năm, người dân thiếu nước sinh hoạt đến 8 - 9 tháng. Thế nhưng, từ khi xây dựng giếng nước cho người dân, thì tình trạng này đã được cải thiện đáng kể".
 
Mới đây, Chương trình vùng huyện Sơn Tây đã nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại xóm Lòng Hồ, khu dân cư Ra Lung, thôn Đắk Lang, xã Sơn Dung. Lòng Hồ là một xóm nghèo, đặc biệt khó khăn của xã Sơn Dung. Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại xóm Lòng Hồ hiện cung cấp nước sạch cho 17 hộ dân (52 khẩu), với tổng kinh phí đầu tư 42 triệu đồng. Trong đó, chương trình hỗ trợ 30 triệu đồng mua vật tư, công thợ và công kỹ thuật, còn người dân đóng góp công lao động, ước tính khoảng 12 triệu đồng. Công trình hiện phát huy hiệu quả tốt, người dân vui mừng vì thoát khỏi cảnh lấy nước từ suối về dùng.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.