(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trên huyện đảo, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch, do nguồn đất thải trong sản xuất nông nghiệp quá lớn gây ra, huyện Lý Sơn đã lập phương án quy hoạch xây dựng thêm nhiều bãi chứa đất thải tập trung.
Mỗi năm phát sinh gần 20 nghìn mét khối đất thải
Bên cạnh vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải, thời gian qua, trên địa bàn huyện Lý Sơn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ đất thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khiến địa phương gặp nhiều khó khăn. Lượng đất thải được người dân đổ tràn lan ra các tuyến đường, khu vực du lịch, vừa gây ô nhiễm, vừa mất mỹ quan, cũng như an toàn giao thông.
Phương thức canh tác nông nghiệp trên đảo Lý Sơn là sau mỗi vụ trồng hành, tỏi phải thay lớp đất mặt, dẫn đến một lượng lớn đất thải cần phải xử lý. |
Trên địa bàn huyện Lý Sơn hiện có 419ha đất canh tác hành tỏi. Với phương pháp canh tác hành tỏi như hiện nay, là dùng một lớp cát trắng được hút từ biển phủ lên diện tích đất canh tác (từ 0,5 - 1cm) và thay mới sau mỗi vụ trồng, số đất thải này được người dân đổ ra môi trường xung quanh, dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường và an toàn giao thông.
Trước thực trạng trên, năm 2017, huyện Lý Sơn đã quy hoạch xây dựng nhiều bãi đổ thải để giải quyết vấn nạn này. Thế nhưng, ngoài một số bãi đổ đất thải được triển khai đã trở nên quá tải, thì nhiều khu vực dù được quy hoạch, nhưng chưa đền bù, giải phóng mặt bằng được, nên không thể đưa vào làm nơi đổ đất thải.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết: Mỗi năm, người dân huyện đảo canh tác 3 vụ và phải thay lớp đất mặt, nên khối lượng đất thải là rất lớn. Qua tính toán, khối lượng đất thải trung bình hằng năm trên 1ha đất tại đảo vào khoảng 45m3. Như vậy, với tổng diện tích 419ha, lượng đất thải mỗi năm là 18.855m3.
“Qua khảo sát, diện tích đất nông nghiệp cận đường cơ động, khu vực bờ kè, người dân đổ đất thải ra xung quanh bờ rẫy, hoặc khu vực trũng thấp quanh bờ kè. Một số trường hợp tái sử dụng để bồi đắp mặt bằng các công trình, hoặc vận chuyển về nhà sản xuất rau... nên lượng đất thải cần tập kết đến nơi đổ thải tập trung vào khoảng 50% tổng khối lượng đất thải, nên việc xử lý rất khó khăn”, ông Thành nói.
“Huyện quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp đổ đất thải không đúng nơi quy định, để hướng đến một Lý Sơn sạch đẹp và văn minh ngay trong năm 2020. Không thể để du khách khó chịu vì ô nhiễm môi trường, khi đến với huyện đảo”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn
ĐẶNG TẤN THÀNH
|
Sẽ giải quyết triệt để
Trước tình trạng đất thải trong sản xuất nông nghiệp bí nơi đổ, dẫn đến ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, mới đây, huyện Lý Sơn đã lập kế hoạch và ban hành phương án xử lý một cách hiệu quả, nhằm giải quyết dứt điểm bài toán ô nhiễm môi trường do đất thải gây ra.
Theo đó, huyện lập quy hoạch 17 điểm đổ, chứa chất thải, với diện tích 2.250m2, đảm bảo phục vụ nhu cầu đổ, chứa chất thải nông nghiệp cho 209ha (ngoài 210ha cận đường cơ động, khu vực bờ kè, người dân đổ đất thải ra xung quanh bờ rẫy, hoặc khu vực trũng thấp). Trong đó, điểm đổ, chứa đất thải nhỏ nhất đảm bảo nhu cầu đổ đất thải cho 15ha và điểm lớn nhất có sức lưu chứa cho 40ha.
Với 17 điểm đổ, chứa chất thải này, về cơ bản huyện sẽ giải quyết được vấn nạn này. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách huyện, với số tiền 250 triệu đồng/năm và đóng góp của nhân dân. Theo đó, mỗi hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp không thuộc diện có đất ven bờ biển, các vùng gần khu vực trũng thấp, khu vực chân núi sẽ đóng 6.000 đồng/100m2/năm. Với diện tích 209ha, số tiền người dân đóng góp được hơn 125 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành, việc quy hoạch và triển khai phương án trên nhằm nâng cao ý thức người dân, khắc phục tình trạng đổ đất thải ra môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, đảm bảo an toàn giao thông, cũng như tạo điểm nhấn đối với du khách.
Bài, ảnh: NGỌC QUANG