(Báo Quảng Ngãi)- Chủ đề của Tháng hành động an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2020 là: “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. Do đó, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh đã tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm không đúng quy định trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong thời gian 1 tháng, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh đã kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, có 14 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 17 cơ sở sản xuất thực phẩm, 3 cơ sở bếp ăn tập thể tại KCN và các địa điểm, khu vực cách ly để phòng, chống dịch Covid-19.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra một cơ sở chế biến thực phẩm. |
Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Đặng Chính cho biết: Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã phát hiện một số cơ sở vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến như: Chưa có đầy đủ giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chưa bảo hộ đầy đủ cho người lao động tham gia chế biến, sản xuất thực phẩm; chưa chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu để chế biến thực phẩm; điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo, thiết kế, bố trí chưa đúng theo quy tắc 1 chiều; khu vực sản xuất chưa tách biệt với các khu vực khác...
Qua đó, đoàn đã nhắc nhở và tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với 4 trường hợp, phạt tiền 26 triệu đồng. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra liên ngành còn lấy 12 mẫu thực phẩm để giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm để xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh và phát hiện có 4 mẫu không đạt.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành, Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh còn lồng ghép tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo đảm ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm xảy ra.
Theo ông Chính, nguồn nhân lực làm công tác quản lý vệ sinh ATTP của cấp huyện, xã hiện còn quá mỏng và phải kiêm nhiệm nhiều việc; kinh phí đầu tư cho hoạt động còn ít nên chưa đáp ứng công tác quản lý ATTP ngày càng diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, giáo dục đảm bảo ATTP chưa được rộng rãi đến với nhân dân, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa.
Một số cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, chưa có sự đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ. Vì vậy, ngành đề xuất các sở, ngành được phân công quản lý ATTP trên địa bàn cần kiểm soát vệ sinh ATTP đối với sản phẩm và nhóm sản phẩm, thực phẩm được phân công quản lý. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trong việc quản lý, tránh chồng chéo và bỏ sót đối tượng. Vận động các cơ sở thực phẩm đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
“Các địa phương tăng cường sử dụng hệ thống đài truyền thanh để tuyên truyền, giáo dục đến nhân dân về đảm bảo ATTP, để hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm xảy ra; truyền thông, kiểm soát đối với dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ đám tiệc, các chợ trên địa bàn“, ông Chính kiến nghị.
Bài, ảnh: TR.AN