(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cách ly toàn xã hội, nhằm phòng, chống dịch Covid-19, phố phường ở TP.Quảng Ngãi vắng lặng hơn thường lệ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nỗi niềm mùa vắng
Những ngày qua, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ từ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, hớt tóc, đến CLB thể thao, trung tâm thể dục... đều tạm dừng các hoạt động. Đường phố yên ắng, không gian tĩnh lặng bao trùm. Các con đường tập trung buôn bán như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Phạm Văn Đồng... trở nên vắng lặng, khi nhà nào cũng “cửa đóng then cài”.
Những tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi khá vắng vẻ, hàng quán “cửa đóng then cài”. |
Buổi chợ vắng vẻ, bà Lan - một tiểu thương bán hàng thực phẩm ở một góc nhỏ của khu vực chợ tạm tại phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) - nói như than: “Mấy nay ế ẩm lắm, người đi chợ cũng thưa, nên cô dọn ra rồi lại dọn vào, không bán được nhiều như trước. Mà không chỉ riêng cô đâu, tiểu thương cả khu chợ này đều vậy hết”. Cách đó vài con hẻm là quán bún mắm của cô Anh - người đàn bà mắc bệnh nặng, chật vật nuôi ba đứa con cũng phải tạm nghỉ.
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn như bao hàng quán khác, chủ nhân của một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng (phường Chánh Lộ) đã đóng cửa từ giữa tháng 3. "Quán đóng cửa dù mới khai trương chưa lâu. Áp lực kinh tế rất lớn, từ tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên, tiền thuế... trong khi kinh tế gia đình phụ thuộc tất cả vào quán này. Thế nên, dù quán đóng cửa, nhưng tôi vẫn bán mang về, hoặc mang đồ uống đến tận nhà cho khách, để có tiền trang trải cuộc sống”, anh Nguyễn Văn P, chủ tiệm, cho biết.
Quả thật, đây là thời điểm mà khó khăn chẳng chừa một ai, nhất là với công nhân lao động, những người buôn gánh bán bưng...
"Chống dịch như chống giặc"
“Chúng tôi tiếp tục vận động người dân tạm ngừng buôn bán đến hết ngày 15.4. Thật ra, vận động bà con tạm nghỉ chúng tôi cũng xót xa lắm, bà con sẽ rất khó khăn. Rất mong mọi người phối hợp với địa phương để giảm tập trung đông người. Vì sức khỏe cộng đồng, của bản thân, tất cả hãy đoàn kết cùng nhau vượt qua. Chúng tôi nỗ lực ngày đêm để đảm bảo việc giãn cách xã hội được thực hiện đúng. Đồng thời, phường cũng tích cực vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ, chia sẻ với những lao động nghèo, để họ vượt qua khó khăn”, Chủ tịch UBND phường Quảng Phú Mai Thị Cẩm Hồng cho hay.
Khu vực chợ tạm (phường Nghĩa Chánh) có đến 4 lối vào, đội kiểm tra gồm dân quân, công an và lực lượng y tế phường phải chia thành từng tốp nhỏ “khóa” các lối vào, tiến hành kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ; thực hiện khai báo y tế đối với những người có biểu hiện sốt, ho.
“Tôi là nhân viên của Trung tâm Y tế thành phố được phân công hỗ trợ Trạm Y tế phường, do lực lượng y tế phường quá mỏng, trong khi trên địa bàn phường lại có nhiều điểm chợ, cũng như các khu vực buôn bán, nên mọi người phải thay phiên làm việc liên tục. Buổi sáng bắt đầu từ 6 giờ 30 phút đến khi chợ vãn, buổi chiều từ 15 giờ đến khi không còn người đi chợ mới thôi”, chị Nguyễn Thị Lan Phương cho biết.
Tại các phường trên địa bàn thành phố, những ngày qua bố trí khoảng 50% quân số có mặt tại phường để giải quyết công việc và phục vụ nhân dân đến giao dịch; số cán bộ còn lại tập trung xuống khu vực dân cư để tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, cũng như nắm bắt tình hình việc chấp hành Chỉ thị 16 trong các tổ dân phố, khu dân cư.
Theo Trưởng Ban bảo vệ dân phố phường Nghĩa Chánh Trương Lợi, những ngày này, tại các khu vực như công viên, quảng trường, các điểm chợ trên địa bàn phường, lực lượng bảo vệ dân phố cùng công an, dân quân vẫn tích cực tuyên truyền cả ngày lẫn đêm, nhắc nhở những trường hợp không đeo khẩu trang, tụ tập trên 2 người... “Đến thời điểm này, về cơ bản ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là rất tốt, nhưng chúng tôi vẫn không lơ là, mất tập trung”, ông Lợi bày tỏ.
“Cơn bão” Covid-19 biến một đô thị nhộn nhịp, tấp nập trở nên vắng lặng, cùng với đó là biết bao nỗi niềm, sự vất vả của chính quyền và người dân, nhất là những người lao động đang gồng mình trong cuộc mưu sinh. “Buôn bán làm ăn mà, tháng này không bán được thì tháng sau bán bù. Phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. “Chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe là trên hết. Có như vậy mới có thể tiếp tục làm việc kiếm sống, phải không?”, bà Lan chia sẻ.
Mùa vắng rồi sẽ qua đi!
Bài, ảnh: VŨ YẾN