Những tài xế làm nhiệm vụ chở người đi cách ly

08:04, 15/04/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, biện pháp cách ly tập trung được thực hiện để ngăn ngừa dịch lây lan ra cộng đồng. Đó cũng là lúc các tài xế điều khiển những chuyến xe y tế, không nề hà vất vả trên mọi nẻo đường để đưa các trường hợp về khu cách ly tập trung.
Các tài xế làm công việc đặc biệt này đều là những lái xe gắn bó với ngành y lâu năm. Chỉ có điều, trước đây họ chuyên chở những bệnh nhân cần cấp cứu đi đến các bệnh viện, trung tâm y tế. Thì nay, giữa lúc dịch bệnh hoành hành, họ lại mang thêm trên vai trách nhiệm chở người từ vùng dịch về đến các khu cách ly tập trung.
 
Cận kề với những nguy cơ khó lường
 
2 giờ sáng, điện thoại reo liên hồi. Anh Lê Hồng Mỹ liền trở dậy ra khỏi nhà làm nhiệm vụ. Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn vừa gọi báo có một trường hợp đi từ vùng dịch về với triệu chứng sốt, ho cần phải theo dõi y tế gấp. Trách nhiệm của anh là lái xe đến nơi để chở trường hợp này đi khu cách ly tập trung.
 
Chỉ cần có cuộc gọi từ lãnh đạo trung tâm rằng có trường hợp cần được cách ly, bất kể đó là đêm hay ngày, anh Mỹ đều luôn sẵn sàng lên đường. Với anh, mỗi chuyến xe là mỗi kỷ niệm khó quên. Nhưng ấn tượng nhất, gắn bó nhất với anh chính là bộ đồ bảo hộ anh luôn phải mang cẩn thận, đúng cách khi chở các trường hợp này.
 
Anh Mỹ luôn phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân để phòng lây nhiễm khi chở các trường hợp đi cách ly tập trung
Anh Mỹ luôn phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân để phòng lây nhiễm khi chở các trường hợp đi cách ly tập trung
 
“Trước giờ mình chở người bệnh đi cấp cứu thì quần áo mình mặc miễn lịch sự là được. Nhưng nay thì phải mặc đồ bảo hộ kín mít từ trên xuống dưới. Nhiều người dân họ không hiểu thì nhìn mình với ánh mắt tò mò, khác biệt lắm. Nhưng có sao đâu, việc mình thì mình làm thôi”- anh Mỹ vô tư kể.
 
Có lần, anh Mỹ được lệnh xuống cảng Tịnh Kỳ đón các ngư dân trở về từ vùng dịch. Mặc đồ bảo hộ nghiêm chỉnh và có mặt từ 7 giờ sáng. Nhưng phải chờ ròng rã 4 tiếng đồng hồ dưới cái nắng chói chang, anh mới đón được các ngư dân từ tàu về khu cách ly. “Vừa nóng vì phải mặc đồ bảo hộ quá lâu kèm thời tiết khắc nghiệt, vừa mệt vì phải chờ quá lâu. Nhưng mỗi lần như vậy thì tôi mới hiểu được các y, bác sĩ vất vả như thế nào khi làm việc trong các khu cách ly”- anh Mỹ khiêm tốn chia sẻ.
 
Làm công việc lái xe cứu thương đã 2 năm tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, nhưng với anh Mỹ, giai đoạn cả nước căng thẳng chống dịch Covid-19 có lẽ là lúc anh không bao giờ quên. Bởi, với đặc thù công việc, anh luôn phải tiếp xúc gần với với các trường hợp đi từ vùng dịch về. Nguy cơ lây nhiễm lúc nào cũng cận kề, bởi khi chưa có kết quả xét nghiệm thì không biết họ có mang mầm bệnh hay không.
 
Hơn 15 chuyến xe do anh lái chở người đi cách ly là hơn 15 lần anh cận kề với những nguy cơ khó lường. Nhưng sau những chuyến xe ấy, chưa bao giờ anh chùn bước. Anh vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần lạc quan. 
 
“Tôi tin rằng mình bảo hộ cho bản thân kỹ lưỡng thì không việc gì phải sợ. Mà sợ thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ được. Tôi chỉ đang cố gắng làm tốt công việc của mình thôi. Và phần việc của tôi chỉ một phần quá nhỏ bé, không là gì cả trong trận chiến chống dịch này”- nụ cười hiền hậu của anh tài xế trẻ, như đang lan tỏa một năng lượng tích cực cho những người đang tiếp xúc với anh.
 
Động lực để làm việc mỗi ngày
 
Có kinh nghiệm 25 năm lái xe cho ngành y, anh Lê Trọng Phong hiện là lái xe cho Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi chia sẻ, chưa bao giờ nghề tài xế lại mang về nhiều cảm xúc cho anh như giai đoạn này.
 
Đó là những lần mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh đặc thù rong ruổi trên khắp nẻo đường ở TP.Quảng Ngãi để chở người về các khu cách ly tập trung của tỉnh. Đó là những lần anh miệt mài phun khử khuẩn toàn bộ trong và ngoài chiếc xe cứu thương sau mỗi lần chở các trường hợp đi cách ly. Đó cũng là những câu chuyện nhỏ, anh lượm lặt được sau mỗi chuyến xe đặc biệt giữa mùa dịch Covid-19.
 
Sau mỗi chuyến chở người đi cách ly, tài xế Lê Trọng Phong cẩn thận phun khử khuẩn ở cả trong và ngoài xe
Sau mỗi chuyến chở người đi cách ly, tài xế Lê Trọng Phong cẩn thận phun khử khuẩn ở cả trong và ngoài xe
 
Đã hơn 20 lần anh Phong ngồi sau vô lăng để chở hơn 30 trường hợp đi cách ly tập trung. Sau những lần ấy, trong khi các trường hợp được chuyển xuống khu cách ly nghỉ ngơi, dưỡng sức, thì anh lại lặng lẽ trở về cùng chiếc xe- người bạn đồng hành của mình trên khắp nẻo đường. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, anh Phong tỉ mẩn phun khử khuẩn và lau chùi chiếc xe thật sạch sẽ.
 
“Chiếc xe rất quan trọng nên tôi phải nâng niu, quý nó như người thân của mình. Nhất là sau khi chở các trường hợp đi cách ly thì tôi càng phải vệ sinh thật cẩn thận. Đó là không chỉ để bảo vệ cho bản thân mà còn bảo vệ cho các nhân viên y tế và các trường hợp được đưa đi cách ly ở những chuyến xe sau”- anh Phong lý giải.
 
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần chở người đi cách ly, anh Phong luôn nghĩ về 2 vợ chồng người Úc đến Quảng Ngãi vào giữa vào giữa tháng 3. Đó là thời điểm Chính phủ bắt đầu siết chặt việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta. Nên khi có thông tin, anh liền được điều động chở 2 trường hợp này đi cách ly vào giữa đêm khuya.

 

Dù công việc luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, các tài xế chở người đi cách ly tập trung luôn chuyên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình
Dù công việc luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, các tài xế chở người đi cách ly tập trung luôn chuyên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình
 
Chuyến xe đêm ấy càng thêm ý nghĩa với anh khi anh nghe thấy những câu nói ngợi khen từ vợ chồng người Úc. “Họ bảo rằng, ngành Y tế Việt Nam quá tuyệt vời trong cuộc chiến chống Covid-19. Họ đi cách ly trong tâm thế rất vui vẻ và hợp tác. Tôi thực sự cảm thấy rất vui, vì người nước ngoài mà còn công nhận thế”- anh Phong tự hào chia sẻ.
 
Niềm vui nhỏ từ nghề lái xe chở người cách ly anh Phong đã nhận về một cách tình cờ như vậy. Và anh luôn lấy đó làm động lực để vượt qua những vất vả, khó khăn, tiếp tục công việc ý nghĩa của mình.
 
Khi bài viết này lên trang, những tài xế phục vụ chở người đi cách ly tập trung như anh Phong, anh Mỹ vẫn miệt mài đồng hành cùng công cuộc phòng, chống dịch. Dù với họ, đó chỉ là công việc thường ngày phải làm, nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng để cùng cả nước đương đầu với đại dịch. 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.