(Baoquangngai.vn)-
Hỗ trợ ổn định cuộc sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất đã và đang được các cấp, ngành của tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế của HĐND tỉnh, kết quả giải quyết vấn đề này vẫn còn rất nhiều bất cập, vướng mắc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chưa có nhiều lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề
Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện quy định hỗ trợ ổn định cuộc sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, từ năm 2014 đến năm 2018, toàn tỉnh có 819 dự án thu hồi đất, với 1.671 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được UBND các huyện, thành phố lập, phê duyệt và thực hiện.
Tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 3.434ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 2.862ha, diện tích đất phi nông nghiệp khoảng 608ha; tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất khoảng 36.993 trường hợp.
Việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT- XH mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, việc có nhiều các dự án, công trình mọc lên cũng đồng nghĩa với việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần, khiến cho không ít nông dân vùng bị thu hồi đất bị ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống.
Trước thực tế trên, các cấp, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất.
Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh cho 36.993 đối tượng với tổng số tiền trên 1.822 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ ổn định đời sống cho 30.085 đối tượng với số tiền hỗ trợ 147,71 tỷ đồng; hỗ trợ ổn định sản xuất cho 2.792 đối tượng với số tiền hỗ trợ 33,655 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho 28.373 đối tượng với số tiền hỗ trợ 1.641 tỷ đồng.
Qua đó, đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động nông thôn. Một số lao động thuộc đối tượng thu hồi đất được tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm qua các mô hình sản xuất tại chỗ.
Các diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện những dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân |
Song theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, TP chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, định hướng việc hỗ trợ chuyển đổi nghề gắn với tạo việc làm mới.
Việc hỗ trợ cho các đối tượng bị thu hồi đất chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ tiền; chưa có giải pháp hiệu quả để đào tạo việc làm, ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất; việc chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm do người dân tự lo; chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng bị thu hồi đất trong độ tuổi lao động và có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Thực tế, không ít gia đình cầm một khoản tiền đền bù xong chỉ một vài năm lại rơi vào tình cảnh khó khăn, buộc phải ly hương đi làm ăn xa vì thiếu đất sản xuất.
Điều đáng nói, trong 5 năm (2014- 2018), chỉ có một phương án đào tạo, chuyển đổi ngành nghề được lập và phê duyệt là Phương án đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Trung tâm Đào tạo và cung ứng nguồn lao động Dung Quất (thuộc Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi) lập và UBND huyện Bình Sơn phê duyệt.
Theo phương án này có 153 người lao động đăng ký học nghề như: Hàn kỹ thuật cao, may công nghiệp, nấu ăn, trồng rau an toàn, thú ý, lái xe với kinh phí đào tạo dự kiến 2,189 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa thực hiện.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng thực hiện việc thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện đánh giá các yếu tố tác động đến người lao động sau khi bị thu hồi đất, tư vấn định hướng nghề. Quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm giữa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nơi chưa phù hợp.
Nhiều địa phương và các sở, ban ngành liên quan chưa làm tốt công tác dự báo và nắm thông tin của người lao động bị thu hồi đất để kịp thời chuẩn bị nguồn nhân lực cung ứng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn chưa có sự phối hợp tốt với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để cung cấp thông tin về tuyển dụng và triển khai cung ứng lao động.
Hiệu quả việc phối hợp giữa ngành LĐTB&XH với các sở, ngành liên quan đến công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất chưa tốt.
Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất
Qua báo cáo giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, nguyên nhân dẫn đến công tác hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong giai đoạn từ năm 2014- 2018 đạt kết quả chưa cao là do UBND cấp huyện, xã chưa chú trọng đúng mức đến công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động.
Thậm chí, nhiều địa phương muốn thực hiện nhanh chóng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giao mặt bằng cho nhà đầu tư nên muốn thực hiện hỗ trợ bằng tiền mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề đào tạo nghề cho người lao động.
Đồng thời, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng và thường xuyên chính sách về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm chưa được các cơ quan liên quan thực hiện tốt.
Sở LĐTB&XH chưa tham mưu triển khai thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
Cần quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động |
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất còn bị hạn chế từ chính những người được thụ hưởng.
Nhiều người dân bị thu hồi đất sử dụng tiền hỗ trợ để mua sắm vật dụng gia đình đắt tiền, chi tiêu cho sinh hoạt mà chưa quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề. Một số lao động bị thu hồi đất có tâ lý ngại học nghề, chưa có tác phong công nghiệp, chủ yếu tự tìm kiếm việc làm tự do, thông qua buôn bán nhỏ, làm lao động phổ thông hoặc đi làm ăn xa.
Trước những bất cập, hạn chế được chỉ ra qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB&XH tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu tìm việc làm của người lao động có đất bị thu hồi, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất. Tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp biết các định hướng nghề nghiệp nhằm giúp cho người lao động xác định và lựa chọn nghề cho phù hợp.
Ưu tiên bố trí nguồn vốn vay ưu đãi cho các các đối tượng bị thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp vay vốn, tạo việc làm, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi phối hợp với các sở, ban ngành, các địa phương có liên quan làm việc với chủ đầu tư vào KKT Dung Quất, các KCN của tỉnh xem xét, ưu tiên thu hút sử dụng nguồn lao động tại chỗ, nhất là lao động thuộc đối tượng bị thu hồi đất để họ có nguồn sinh kế ổn định đời sống.
H.P