(Báo Quảng Ngãi)- Theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, học sinh, sinh viên (HSSV) là người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn học phí 100%, hỗ trợ hằng tháng 100% mức lương cơ sở, 1 triệu đồng/năm tiền chăn ga, gối nệm, 300.000 đồng tiền đi lại... Mặc dù có nhiều khoản kinh phí hỗ trợ, nhưng việc vận động học sinh DTTS tham gia học nghề vẫn gặp khó.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Em Hồ Thị Thu Hiếu (22 tuổi), người dân tộc Cor, ở xã Trà Phong (Tây Trà), hiện đang học may công nghiệp tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi. Khi em vừa học xong lớp 12 thì bố mất vì tai nạn, nên em bỏ dở ước mơ học nghề để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi 2 em nhỏ. Sau 2 năm làm đủ việc nhưng không ổn định, khi được các thầy cô đến tận nhà tư vấn học nghề ở Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi, Hiếu rất háo hức. “Biết được có tiền hỗ trợ nên mẹ mới cho em đi học, thầy cô cũng đảm bảo khi ra trường em sẽ có việc làm, nên em quyết định theo học ngành may”, Hiếu chia sẻ.
Em Hồ Thị Thu Hiếu (ngồi) hiện đang học may công nghiệp tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi. |
Còn em Hồ Thị Trang (16 tuổi), ở xã Trà Quân (Tây Trà), cũng đang học nghề may công nghiệp tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi. Trang tâm sự: “Ở quê nhiều bạn học xong cấp 2 là nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền, nhưng công việc không ổn định. Được cán bộ nhà trường động viên, em quyết định học nghề để mai này có điều kiện lo cho cuộc sống tốt hơn".
Thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề của học sinh DTTS ở các huyện miền núi trong tỉnh sau khi học xong chương trình THCS và THPT là rất lớn. Tuy nhiên, đa số các em chưa mạnh dạn theo đuổi việc học nghề. Thậm chí, nhiều em đang học nghề lại bỏ học giữa chừng. Ông Nguyễn Chí Thành, cán bộ phụ trách Trung tâm Tuyển sinh - Việc làm và Dịch vụ (Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi) cho biết: Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động để thu hút học sinh DTTS theo học nghề. Trong đó, tập trung truyền thông các ngành nghề phù hợp với hoàn cảnh, trình độ của các em; đồng thời thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có các khóa học vừa học nghề vừa học văn hóa. Tuy nhiên, số lượng học viên DTTS theo học nghề vẫn rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các em còn hạn chế, chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc học nghề.
Ngoài ra, chế độ hỗ trợ theo hình thức 1 năm quyết toán 2 lần khiến nhiều hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng chi trả trước sinh hoạt phí cho các em. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn trường chỉ có trên 50 HSSV là người đồng bào DTTS theo học nghề.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn, toàn tỉnh hiện chỉ có 3 cơ sở dạy nghề có học viên là người DTTS, đó là: Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất và Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm. Để nâng cao hiệu quả việc dạy nghề cho HSSV là người DTTS rất cần sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, ban, ngành và chính quyền địa phương. Hơn nữa, các đơn vị liên quan cần đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyên truyền, chú trọng trực quan, sinh động để đồng bào DTTS hiểu rõ hơn về lợi ích của việc cho con em theo học các khóa đào tạo nghề, quan tâm tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học.
Bài, ảnh: PV