TIN LIÊN QUAN |
---|
Quảng Ngãi ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất với quy mô lớn, tập trung ở KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều nhà cao tầng, nhà phố liền kế; nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ, buôn bán, sản xuất trong các khu dân cư... Do đó, nguy cơ cháy, nổ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu dân cư là rất lớn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC còn mỏng, không thể có mặt ở cơ sở để tham gia chữa cháy ngay từ ban đầu. Do đó, lực lượng dân phòng được coi là lực lượng nòng cốt trong hoạt động PCCC toàn dân; là “cánh tay nối dài” của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Lực lượng dân phòng phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) tham gia thực tập phương án chữa cháy. |
Thời gian qua, lực lượng dân phòng đã tích cực tham mưu cấp chính quyền cơ sở triển khai nhiều biện pháp, giải pháp về đảm bảo an toàn PCCC tại các thôn, tổ dân phố; tham gia tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp PCCC; tham gia thực tập phương án chữa cháy, tổ chức tuần tra, thường trực sẵn sàng chữa cháy. Lực lượng dân phòng đã phát hiện và dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy, nổ xảy ra tại cơ sở, góp phần không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lực lượng dân phòng ở các địa phương vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu theo quy định của Luật PCCC. Cụ thể là, chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc tham mưu ban hành các quy định, nội quy, biện pháp về PCCC tại địa phương, chất lượng hoạt động chưa cao; nhiều thôn, tổ dân phố chưa thành lập đội dân phòng.
Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC ở địa phương, lực lượng dân phòng cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, là phải trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC ở khu dân cư; kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC.
Lực lượng dân phòng cũng phải thường xuyên tham gia huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH khi có cháy, nổ xảy ra. Chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá quá trình hoạt động của lực lượng dân phòng, từ đó có biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH; đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ PCCC trong tình hình mới.
Toàn tỉnh hiện có 698 đội dân phòng tại 698 thôn, tổ dân phố, với tổng số 8.836 đội viên. Đến nay, có 126 đội dân phòng được trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH; 1.132 đội viên được huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH. |
Bài, ảnh: HUỲNH THANH HẢI