(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở Quảng Ngãi còn thấp. Vì vậy, cần có những giải pháp vận động người tham gia, để chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đến gần với người dân hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tỷ lệ tham gia còn thấp
Năm 2019, dù đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Lê Quý, ở xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn) mới đóng BHXH được 17 năm. Theo quy định, còn 3 năm nữa ông Quý mới đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Được nhân viên BHXH tư vấn, ông Quý tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng quyền lợi tốt nhất. “Tôi cố gắng đóng đủ BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Có lương hưu, khi về già tôi cũng yên tâm hơn, không phải phiền đến con, cháu”, ông Quý chia sẻ.
Cán bộ BHXH tỉnh và nhân viên đại lý thu hướng dẫn các chế độ được hưởng khi tham gia BHXH cho người dân. |
Tương tự ông Quý, phần lớn người lao động tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh ta hiện nay là những người đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó.
Theo thống kê, tính đến tháng 8.2019, toàn tỉnh có gần 3.500 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 53% chỉ tiêu tỉnh giao. Theo nhiều địa phương, hiện công tác khai thác thêm đối tượng mới tham gia BHXH tự nguyện rất khó khăn. Bởi phần lớn người lao động không mấy “mặn mà”.
Khi được hỏi về nguyên nhân không tham gia BHXH tự nguyện, ông Trần Văn Tuấn, làm nghề cửa sắt cho biết: “Tôi chưa hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Hơn nữa, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí tới 20 năm, vì thế tôi sợ mình không đủ điều kiện để đóng đủ thời gian quy định”.
Triển khai nhiều giải pháp
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lương Kim Sơn, mặc dù số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh có tăng qua các năm, nhưng mức tăng còn chậm. Ngoài việc phải cạnh tranh với loại hình bảo hiểm nhân thọ, thì chính sách của BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn.
Hiện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất được thực hiện, còn các chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không có... nên rất khó để người lao động tham gia. Hơn nữa, đời sống người dân nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Trong đó, tỉnh có 5 huyện miền núi là huyện nghèo, mức sống người dân còn thấp, kinh tế bấp bênh, nên nhiều người dân chưa có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện...
Giám đốc BHXH tỉnh Tiêu Sinh cho biết: Để đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tuyên truyền các chính sách, pháp luật phù hợp đến từng đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động trong việc tham gia BHXH tự nguyện.
Ngành cũng sẽ chủ động tham mưu các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo; tập huấn nghiệp vụ và giao chỉ tiêu thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH cho 100% đại lý thu BHXH tự nguyện; tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy việc phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT tại các xã, phường, thị trấn...
“Bên cạnh đó, BHXH tỉnh và ngành bưu điện sẽ triển khai nhiều giải pháp, nhất là tuyên truyền, vận động thông qua các hội nghị khách hàng, tư vấn tại các địa phương để phát triển đối tượng tham gia. BHXH tỉnh sẽ ký hợp đồng phát triển thêm đại lý thu với bưu điện xã và các tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp, các địa phương nhằm đạt chỉ tiêu đề ra”, ông Sinh nhấn mạnh.