Chuyện "an cư" sau ngày tách tỉnh

10:07, 01/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Tôi ở Quy Nhơn đúng 2 năm thì rục rịch chuẩn bị chuyển về Quảng Ngãi sau khi có quyết định tách tỉnh Nghĩa Bình. Tiếp sau niềm vui được “về nhà” của hàng nghìn người có quê Quảng Ngãi là ngổn ngang những lo toan. Mối lo đầu tiên là tìm chỗ ở.

TIN LIÊN QUAN

Sau niềm vui...

Những ai đã từng sống ở Quy Nhơn trong những năm nhập tỉnh (1976 - 1989) hẳn vẫn còn lưu giữ cái cảm giác hồ hởi trước thông tin Quốc hội thông qua việc tách hàng loạt tỉnh (thực chất là trở lại tên tỉnh cũ trước khi nhập), trong đó có tỉnh Nghĩa Bình.

Nói hồ hởi là bởi, suốt 13 năm tá túc ở Quy Nhơn, nhiều gia đình đã phải sống trong những khu nhà tập thể chật chội, nóng bức. Đa số những người có quê Quảng Ngãi đều sống như thế, chỉ một vài trường hợp hãn hữu mới có nhà riêng ở Quy Nhơn.

 Những con nhà nhỏ, hẻm nhỏ ở khu 96 hộ, phường Trần Trú (TP.Quảng Ngãi), một trong hai khu tập thể xây sau ngày tái lập tỉnh, giờ in bóng thời gian.        ẢNH LINH GIANG
Những con nhà nhỏ, hẻm nhỏ ở khu 96 hộ, phường Trần Trú (TP.Quảng Ngãi), một trong hai khu tập thể xây sau ngày tái lập tỉnh, giờ in bóng thời gian. ẢNH LINH GIANG

Ngay cả ông Hồng Nhân, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, thủ trưởng cũ của tôi từ thời Nghĩa Bình, mà vẫn phải ở trong ngôi nhà tập thể vô cùng bức bối. Đã vậy, để cải thiện cuộc sống, nhiều nhà còn nuôi cả heo, gà trên tầng 2. Người phải sống chung với gia súc, vừa nhức tai điếc óc mỗi khi chúng kêu vì chưa kịp ăn, vừa hôi hám!

Điều kiện bấy giờ nó thế, nên tất cả đều phải chấp nhận, nhưng trong lòng vẫn luôn mong đợi một sự thay đổi nào đó. Tin chia tỉnh để được trở lại Quảng Ngãi là một tin rất vui cho cả những ai có quê Quảng Ngãi lúc bấy giờ. Nhưng tiếp sau niềm vui òa vỡ vì được trở lại quê nhà là những lo toan ập đến. Giải quyết chỗ ở cho hàng nghìn người cùng lúc như thế là bài toán vô cùng nan giải.

Là những lo toan

Đến bây giờ, sau 30 năm tách tỉnh, tôi cũng không lý giải được vì sao cùng một lúc mà thị xã Quảng Ngãi lại có thể tiếp nhận một số lượng gia đình đông đảo như vậy từ Quy Nhơn chuyển về. Vì kể từ cuối năm 1976, thị xã Quảng Ngãi hầu như không được đầu tư cơ sở hạ tầng là mấy. Đã vậy, giờ đây thị xã Quảng Ngãi phải tiếp nhận một lượng người đông đảo từ Quy Nhơn về, nên sự quá tải là điều không tránh khỏi.

Phần lớn các sở, ngành của Quảng Ngãi lúc bấy giờ đều trưng dụng các phòng, ban của thị xã Quảng Ngãi. Đa số các phòng, ban ấy đều xập xệ, nhưng vẫn phải trưng dụng để tá túc qua ngày. Khổ nhất là những cơ quan mà không có phòng ban ngành dọc như báo Quảng Ngãi chẳng hạn.

Đài phát thanh Quảng Ngãi thì tiếp quản cơ sở của Đài truyền thanh thị xã, chứ báo Quảng Ngãi thì biết “tiếp quản” cơ sở nào! Thôi thì đành trưng dụng hội trường của một cơ sở giáo dục chính trị (nay là vị trí của Khách sạn Cẩm Thành) để tạm bợ qua ngày. Hội trường đâu chừng non trăm mét vuông nhưng phải ôm vào lòng nó đến 3 gia đình, cùng hơn một chục cán bộ nhân viên của báo đến đây làm việc hằng ngày.

Cảm giác ngột ngạt, bức bí luôn thường trực trong mỗi người lúc bấy giờ. Nhìn trước ngó sau, thấy ai cũng phải chịu đựng như nhau, ngay cả những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cũng sống tạm bợ như thế, nên tất cả đều “vui vẻ” chấp nhận và... chờ.


Những công trình xây vội

Tin về việc chia tỉnh Nghĩa Bình được tiếp nhận vào khoảng tháng 3.1989, nhưng tháng 7 năm đó, tất tật phải chuyển dời, nên mọi sự chuẩn bị để ổn định chỗ ở cho hàng nghìn người trong một thời gian gấp gáp như vậy là bất khả thi. Sinh thời, ông Trần Anh Kiệt, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (lúc mới tách tỉnh, ông là Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Giám đốc Sở KH&ĐT một thời gian ngắn) có nói vui rằng: Gom góp tất cả mà gia tài lúc ấy của tỉnh chỉ có... 93 triệu đồng!

Thế nhưng, tỉnh vẫn quyết tâm “vay mượn” để hình thành khu dân cư tại phường Trần Phú. Đây là khu nhà điển hình cho sự xây vội: chiều ngang mỗi căn chỉ 3,5m, lại chung vách, nên “nói thầm” bên này, bên kia cũng nghe. Dù vậy, không phải tất cả cán bộ từ Quy Nhơn về là được phân căn hộ ấy đâu. Phải hàng giám đốc sở thì mới được phân nhà.

Có vài trường hợp “lính trơn” cũng nhận nhà ở đó là do may mắn khi bốc thăm. Số là, ngoài các vị lãnh đạo cấp sở và tương đương được phân nhà ở khu 96 hộ ấy, tỉnh còn “ưu ái” cho một căn hộ như thế dành cho số cán bộ chưa vợ con gì ở các cơ quan. Có cơ quan thì áp dụng hình thức “nhà tập thể” ấy, lại có nơi thì cho bốc thăm, ai may thì được.

Khu thứ 2 có vẻ “cao cấp” hơn là những dãy nhà hai tầng nằm sau lưng Sở GD&ĐT ngày nay. Khu này thì dành cho các cán bộ cựu trào, nên tương đối rộng rãi hơn. Tổng của hai khu nhà ấy không quá 200 gia đình. Số còn lại, hoặc là được tỉnh cấp đất (hoặc bán giá rẻ) hoặc tá túc tạm bợ và... chờ.

Ba mươi năm đi qua như một chớp mắt. Khổ cực của một thời rồi cũng qua, song điều đọng lại trong mỗi người có quê Quảng Ngãi được chuyển về từ Quy Nhơn ngày ấy là sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua giai đoạn thắt ngặt nhất của đời mình.

Thành phố Quảng Ngãi hôm nay đã mang trong lòng nó bao bước chân “khai phá” của những bậc cha anh từ 30 năm trước. Xin được tri ân tất cả những con người đã một thời chịu đựng muôn vàn gian khổ ấy.

TRẦN ĐĂNG
 


.