Tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ mồ côi còn nhiều bất cập

09:06, 22/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có trên 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bị bỏ rơi, nhiễm chất độc hóa học, bị bạo hành, nạn nhân của xâm hại tình dục... Tuy nhiên, việc phát hiện, tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) còn nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Bất cập từ chính sách

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Xuân Sâm: “Vì nhiều lý do mà hầu hết số trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không đủ điều kiện dinh dưỡng để phát triển thể chất, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn những khiếm khuyết về sức khỏe trong cơ thể. Số lượng trẻ mồ côi được đưa vào nuôi dưỡng tập trung còn rất hạn chế. Trong khi các cháu sống ở cộng đồng, thì đời sống còn bấp bênh, không ổn định.

Điều kiện và khả năng học tập, tiếp cận và tiếp thu các yêu cầu về giáo dục- đào tạo của nhiều cháu bị hạn chế. Sự khiếm khuyết về giáo dục dễ dẫn các cháu đến những lệch chuẩn về nhân cách trong quá trình phát triển, gây ra những trở ngại, thiệt thòi cho các cháu khi tiếp cận nghề nghiệp, việc làm, thu nhập...”.

Trẻ mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Trẻ mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Điều 5, Nghị định số 136/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn, bất cập. Cụ thể như, đối với những trường hợp trẻ em con ngoài giá thú hoặc mồ côi bố, mẹ bị bệnh tâm thần; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị bệnh hiểm nghèo không có khả năng nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích, thì thủ tục để được tiếp nhận rất rườm rà, chồng chéo.

Đơn cử như trường hợp của cháu Lê Thị Hồng (2 tuổi), ở xã Đức Phong (Mộ Đức), không có cha, mẹ cháu Hồng là chị Lê Thị Đệ (42 tuổi) bị bệnh tâm thần. Do điều kiện của cháu Hồng chưa đáp ứng quy định tại Nghị định số 136, nên cháu vẫn chưa được đưa vào nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH theo nguyện vọng của gia đình.

Hay có nhiều trường hợp, cha hoặc mẹ bỏ đi, các cháu ở với người còn lại. Khi người còn lại không đủ điều kiện nuôi dưỡng, để được tiếp nhận thì phải xác định người bỏ đi là mất tích theo quy định của pháp luật, tức cần phải có quyết định tuyên bố của tòa án nhân dân cấp huyện trở lên. Trong khi đó, phần lớn các gia đình không nắm được quy định này và cũng không biết cách thực hiện những thủ tục như thế nào để có được quyết định tuyên bố của tòa án...

 
Cần linh động trong việc thực hiện

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở BTXH nhận nuôi trẻ mồ côi. Trong đó, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh là cơ sở duy nhất do Nhà nước đầu tư. Trung tâm có cơ sở vật chất tốt, đủ điều kiện để chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 120 trẻ em mồ côi, nhưng ở thời điểm hiện tại trung tâm chỉ thực hiện nuôi dưỡng 30 trẻ. Con số này rất khiêm tốn so với số lượng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn toàn tỉnh.

“Trung tâm chúng tôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trẻ mồ côi tại trung tâm còn ít là do bởi nhiều người dân vẫn chưa biết đến, đồng thời sự kết nối giữa địa phương với trung tâm hạn chế, vì thế việc phát hiện cũng như tiếp nhận trẻ mồ côi còn nhiều khó khăn”, Giám đốc Trung tâm CTXH Nguyễn Thu Trang chia sẻ.

Để trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được hỗ trợ vào nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở BTXH, ông Trang cũng đề nghị: Cần phải linh động một số thủ tục hồ sơ để giúp trẻ sớm được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở BTXH. Cùng với đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với trung tâm trong công tác phát hiện sớm các đối tượng trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và thực hiện các thủ tục hồ sơ để trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc; không để trẻ phải bơ vơ ngoài xã hội.

Bài, ảnh: PV

 

.