Người cha của trẻ mồ côi

08:07, 06/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 30 năm công tác là cũng ngần ấy thời gian ông gắn bó với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Hàng trăm đứa trẻ mồ côi gọi ông bằng ba, nhiều đứa trẻ mang họ của ông trong giấy khai sinh. Ông chính là Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trương Đình Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Dù không còn công tác ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, thế nhưng cứ dịp cuối tuần ông Trương Đình Đức lại đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để thăm bọn trẻ. Ông Đức bảo: “Không đến thì nhớ lũ trẻ lắm”.

Người cha của trăm đứa trẻ

Thời trai trẻ, đi theo tiếng gọi của non sông, ông Đức làm giao liên trong vùng giải phóng, sau đó làm giáo viên xóa mù chữ. Sau ngày đất nước toàn thắng, ông tiếp tục con đường học tập. Đến năm 1983, ông về công tác tại Văn phòng Thị ủy Quảng Ngãi. Năm 1991, tỉnh  thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng đối tượng chính sách xã hội, ông Đức được giao nhiệm vụ lãnh đạo trung tâm. “Lúc đó cơ sở vật chất không có gì.

 

Cuối tuần, các cháu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh ngập tràn niềm vui vì được ở bên ba Đức. Ảnh: X.HIẾU
Cuối tuần, các cháu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh ngập tràn niềm vui vì được ở bên ba Đức. Ảnh: X.HIẾU


Chỗ ở là căn nhà cũ kỹ, xập xệ vốn là xí nghiệp sản xuất đường kẹo đặc sản đã đóng cửa. Ngày ấy trung tâm có 12 cụ và 30 cháu mồ côi. Lực lượng nhân viên mỏng, các cháu nhỏ mới đến nên vất vả lắm”, ông Đức nhớ lại.  Những năm đầu gian khó, ông cùng nhân viên chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cụ và các cháu nhỏ. Những ngày giông bão, ông ở lại trung tâm, che từng chỗ dột, dọn dẹp rác trên từng mái nhà. Đêm đến, ông vỗ về, ôm ấp lũ trẻ.

Đối với ông, lũ trẻ là niềm vui, là hy vọng trong cuộc đời. Thương lũ trẻ bất hạnh, sinh ra trong cõi đời nhưng ngay cả họ tên cũng chẳng có, ông Đức lấy họ mình đặt cho các cháu. “Bọn trẻ thiếu thốn nhất chính là tình cảm gia đình. Vậy nên khi tiếp nhận trẻ, tôi luôn dặn dò các cô hãy chăm sóc, yêu thương chúng như những đứa con của mình, để chúng không cảm thấy thiệt thòi khi sống ở đây. Nhưng số lượng các cháu mồ côi, cơ nhỡ vào trung tâm ngày càng nhiều khiến tôi thấy buồn và lo lắng… Sợ rằng đông quá không chăm sóc các cháu chu đáo”, ông Đức nói.

“Hạnh phúc của tôi là nụ cười của bọn trẻ”

Những đứa trẻ một thời ở trung tâm nhớ đến ba Đức là nhớ đến người cha hết lòng yêu thương các con. Ông hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc mỗi khi dạy bảo lũ trẻ. Trong số hàng trăm đứa con của ông, giờ nhiều người đã trưởng thành. Ông Đức phấn khởi nói: “Nhiều đứa trẻ giờ đã lớn rồi,  nhiều đứa trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, có gia đình đề huề cả”. Dẫu đã lớn khôn, những trẻ em từng lớn lên ở trung tâm luôn nhớ về ba Đức. “Mỗi khi gặp chuyện khó khăn con Luyến lại viết thư hỏi ba Đức, thằng Thuận băn khoăn về việc nên rẽ theo con đường đời nào cũng đến tham khảo ý kiến ba, lâu lâu chúng lại tụ họp về, vui lắm…”,  ông Đức xúc động nói.

Sau 14 năm trực tiếp gắn bó với trung tâm, ông Đức nhận quyết định chuyển công tác về Sở LĐ-TB&XH. Dẫu thế, trong ông lúc nào cũng hướng về những đứa con yêu thương ở trung tâm. Ông Đức bảo: “May mắn là khi về làm việc tại Sở, tôi được giao đảm nhiệm mảng giảm nghèo, trong đó có công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thế nên dù có đổi chỗ làm tôi vẫn có thể quan tâm đến các cháu. Hạnh phúc của tôi là nụ cười của bọn trẻ”. Chị Cao Thị Tuyết Sa, hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, người cùng ông Đức gắn bó với trung tâm từ ngày mới thành lập nói: “Tôi công tác cùng anh Đức từ những ngày đầu thành lập trung tâm. Việc làm, tình yêu thương của anh dành cho các cháu mồ côi khiến cán bộ-nhân viên ở trung tâm như được tiếp thêm lửa nhiệt huyết để chăm sóc các cháu được chu đáo”.

Với những đóng góp trong công tác chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội và công tác giảm nghèo, ông Trương Đình Đức đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen.


XUÂN HIẾU
 


.