(Báo Quảng Ngãi)- Với thông điệp “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”, “Hiến máu cứu người xin đừng thờ ơ”, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) đã lan tỏa sâu rộng, trở thành việc làm thường xuyên của nhiều tổ chức, cá nhân. Nhờ những giọt máu nghĩa tình, nhiều người bệnh được hồi sinh sự sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giữa đời thường, những người HMTN có một công việc khác nhau, nhưng ở họ chung một tấm lòng thiện nguyện và luôn tâm niệm rằng những giọt máu mà họ cho đi sẽ cứu giúp được những người ở lằn ranh sinh tử.
Cả nhà hiến máu
Chúng tôi đến nhà bà Thân Thị Cư (50 tuổi) ở thôn Đôn Lương, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đúng lúc bà vừa đi vận động HMTN tại khu dân cư nhân Ngày hội hiến máu (7.4) sắp đến. Bà Cư hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đức Thạnh. Mồ hôi còn lấm tấm trên trán, nhưng nghe hỏi về phong trào HMTN, bà Cư dường như quên hết mệt mỏi. Bà Cư đã HMTN gần 10 năm qua.
Không những thế bà còn vận động người thân trong gia đình và hơn 30 người dân trong khu dân cư hiến máu. Riêng gia đình bà có 31 lần hiến máu cứu người. “Có sức khỏe để chia sẻ sự sống với nhiều người cần máu là nghĩa cử rất nhân văn. Cứ mỗi lần cho máu, tôi lại thấy vui, vì mình đã làm được việc có ý nghĩa”, bà Cư bộc bạch.
Gia đình bà Cư đã 31 lần hiến máu tình nguyện. |
Qua tấm gương HMTN của bà Cư, nhiều người từ chỗ e dè, không dám tham gia, thì nay nhiệt tình tham gia phong trào HMTN. Nhờ đó, chỉ tiêu hiến máu của xã luôn vượt chỉ tiêu cấp trên giao hơn 150%.
Anh Trần Văn Nhất, con của bà Cư cũng đã hơn 10 lần hiến máu cứu người. Anh Nhất hiện công tác tại Phòng TN&MT huyện Mộ Đức. “Tôi cùng với gia đình luôn tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè... cùng tham gia phong trào hiến máu để lan tỏa nghĩa cử nhân văn, cứu sống được nhiều người", anh Nhất chia sẻ.
“Có sức khỏe để chia sẻ sự sống với nhiều người cần máu là nghĩa cử rất nhân văn. Cứ mỗi lần cho máu, tôi lại thấy vui, vì mình đã làm được việc có ý nghĩa”.
|
Quý giá nguồn máu tiểu cầu
Hiến máu thông thường đã là đáng quý, nhưng hiến máu tiểu cầu cấp cứu người bệnh lúc nguy cấp càng thêm quý giá. Nguồn máu tiểu cầu thường chỉ để được 3-5 ngày. Người tham gia hiến tiểu cầu phải có sức khỏe, mỗi lần hiến phải trải qua gần hai giờ liền. Chính vì vậy, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ thời gian, thậm chí đêm hôm, bất kể nắng mưa để đi hiến máu cứu người lúc nguy cấp.
Một trong những tấm gương tiêu biểu trong hiến máu tiểu cầu là anh Lê Thành Hưng, giáo viên Trung tâm hỗ trợ giáo dục phát triển hòa nhập. Đến nay, anh Hưng đã 25 lần hiến máu, trong đó hơn chục lần hiến tiểu cầu. Chúng tôi gặp anh Hưng đúng lúc anh đang hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa. Anh Hưng tâm sự: “Mỗi khi nghe có người cần máu mình lại tức tốc lên đường. Mỗi lần hiến máu xong, nghe bác sĩ nói nguồn máu của mình giúp được bệnh nhân qua cơn nguy kịch là mình hạnh phúc khó tả. Mọi mệt nhọc tan biến”.
Cũng như anh Hưng, anh Võ Hữu Sơn, cán bộ văn phòng UBND xã Đức Thạnh, người đã 20 lần HMTN, cũng thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiến tiểu cầu cứu người bệnh. “Hiến máu không những tốt cho sức khỏe, mà còn giúp cho nhiều người duy trì sự sống. Tôi luôn mong muốn nghĩa cử hiến máu lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng", anh Sơn chia sẻ.
Chị Huỳnh Thị Thùy Trang, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ngân hàng máu sống huyện Mộ Đức cho biết: “Anh Sơn là một trong những thành viên nòng cốt của câu lạc bộ ngân hàng máu sống của huyện. Chỉ cần bệnh viện “alo” có bệnh nhân cần máu là anh Sơn và các thành viên trong câu lạc bộ đều sẵn sàng hiến máu cứu người”.
Bà Võ Thị Hồng Thanh, ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh là một trong những bệnh nhân được cứu sống từ nguồn máu tiểu cầu của người hiến tặng, chia sẻ: "Hôm cận Tết, tôi bị sốt xuất huyết, tiểu cầu sụt giảm nghiêm trọng. Nếu không có hai người hiến tiểu cầu, thì chắc giờ tôi đã không còn sống. Qua cơn nguy kịch rồi, chẳng biết tìm người đâu để trả ơn. Tấm lòng của những người HMTN thật cao quý”.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG