(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Các vụ cháy nổ xảy ra chủ yếu do sự bất cẩn của người dân.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra 23 vụ cháy dân sự. Trong đó có 7 vụ cháy do chập điện, 5 vụ cháy do bất cẩn khi sử dụng lửa, 3 vụ cháy do sự cố kỹ thuật... Thiệt hại về tài sản khoảng 14,5 tỷ đồng.Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hỏa hoạn phần lớn là do sự bất cẩn và chủ quan của người dân.
Hai bên cổng vào chợ Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) bị người dân cơi nới, lấn chiếm, nếu xảy ra cháy nổ thì việc chữa cháy rất khó khăn. |
Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Võ Đức Nguyện cho biết, hằng năm các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhưng công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Các hộ gia đình chưa ý thức trong việc mua dụng cụ PCCC. Nhiều người dù biết hậu quả của ''giặc lửa" là rất lớn, nhưng ý thức PCCC vẫn còn thấp. Các cơ sở, doanh nghiệp và người dân còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên và ngành chủ quản. Hoạt động của đội PCCC cơ sở và nhân dân phần lớn mang tính hình thức, phương tiện PCCC không đáp ứng yêu cầu, nên khi có sự cố xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi thì đã quá muộn.
Cũng theo Đại tá Võ Đức Nguyện, nếu người dân, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng nhận thức được mối nguy hại của "giặc lửa", từ đó có biện pháp phòng ngừa sẽ hạn chế được cháy nổ xảy ra. Trong đó, việc xây dựng, củng cố lực lượng PCCC ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng hơn cả. Mục tiêu của công tác xây dựng hệ thống PCCC ở cơ sở là để giải quyết các tình huống cháy bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến. Bởi tất cả những vụ cháy, nếu được xử lý trước 10 phút sẽ giảm thiểu được thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Còn sau 10 phút, khi đó tốc độ cháy đã lớn, hiệu quả chữa cháy rất thấp.
Để việc PCCC tại cơ sở được tốt thì đội ngũ PCCC cơ sở phải thường xuyên được xây dựng, củng cố, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông qua thực tập các tình huống và phương án chữa cháy; trang bị phương tiện PCCC. Đặc biệt, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm, nhắc nhở cán bộ, nhân viên và nhân dân cảnh giác khi sử dụng điện, các vật liệu dễ cháy trong sản xuất, sinh hoạt để đề phòng hỏa hoạn. Công tác tuyên truyền phải làm sao để mỗi người dân thấy được việc PCCC là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của mình để cùng tham gia PCCC, nhằm chủ động phòng ngừa cháy, nổ có hiệu quả cao nhất.
Bài, ảnh: BÁ SƠN