(Baoquangngai.vn)- Hàng chục điểm sạt lở núi từ mùa mưa lũ các năm trước chưa khắc phục xong và nguy cơ sạt lở vẫn treo lở lửng trên khắp các vách núi. Đây là thực trạng đáng lo ngại ở huyện miền núi Sơn Tây khi mùa mưa bão cận kề.
TIN LIÊN QUAN
Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng lại sắp bước vào mùa mưa lũ. Người dân huyện miền núi Sơn Tây cũng như các địa phương trong tỉnh khác lại canh cánh nỗi lo sạt lở, tắc đường... Thực tế, liên tục nhiều năm trở lại đây, huyện Sơn Tây đã hứng chịu nhiều trận mưa bão lớn, gây sạt lở, thiệt hại lớn.
Trong quá khứ, huyện Sơn Tây từng một phen hú vía với vụ sạt lở khoảng 20.000 mét khối đất đá, vùi lấp gần như hoàn toàn tầng trệt của Trạm khuyến nông, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Hơn 500m bờ kè bảo vệ, rãnh bê tông thoát nước bị cuốn trôi, đất đá vùi lấp.
Đứng trước nguy cơ ngọn núi cao phía sau lưng có khả năng “ngoạm” các cơ quan trong khu Trung tâm hành chính, năm 2018, huyện Sơn Tây đã chi ra 10 tỷ đồng để xây dựng kè khắc phục tình trạng sạt lở trước mùa mưa bão đang đến gần.
Ngoài điểm sạt lở này và một số điểm sạt lở khác trên địa bàn huyện được khắc phục, thì hiện tại, nhiều điểm sạt lở từ mùa mưa lũ các năm trước vẫn trên địa bàn huyện vẫn chưa được xử lý vì thiếu kinh phí. Chẳng hạn như đường A Bao – A Ghẻ, Gò Lả - Y tế, đường Đakrênh. Nhìn vào các vách núi cao dọc trên các tuyến đường, cái cảm giác bất an cứ hiện lên, nhất là mỗi khi trời đất nổi cơn giông gió.
Anh Đinh Công Minh, ở xã Sơn Dung từng bỏ chạy tháo thân trong đợt sạt lở núi cách đây mấy năm cho hay, nếu năm nay mà mà thời tiết mưa bão như những năm trước thì chắc gia đình tôi phải dọn lên UBND xã trú tạm thôi, vì mỗi lần mưa lớn là phập phồng lo sợ sạt lở núi khiến cả gia đình tôi ai cũng run sợ, ăn ngủ không yên.
Chỉ tính trên tuyến đường từ Trung tâm huyện Sơn Tây đi về xã Sơn Liên đã có đến 12 điểm sạt lở chưa được khắc phục hoàn toàn và có nguy cơ sạt lở tiếp. Những ngày trời mưa, bùn đất tràn ra đường, gây cản trở giao thông.
Còn tại các khu E và khu D của Khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên, sạt lở đã khiến con đường bê tông nội vùng bị gãy đôi, nứt toát, tạo ra “hố tử thần” sâu hoắm. Các hộ dân sống trong khu tái định cư này như đứng ngồi trên đống lửa. Chính quyền địa phương đang chờ cấp trên phân bổ kinh phí khắc phục.
Ông Phan Huỳnh Sơn – Chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho biết: Về kinh phí thì xã có phương án xin các nguồn duy tu, sửa chữa và chuẩn bị các phương án tại chỗ. Trường hợp xảy ra sạt lở thì địa phương huy động các xe đang thi công các tuyến đường trên địa bàn xã để di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Đỉnh điểm thiệt hại trong mùa mưa lũ năm 2017, toàn huyện Sơn Tây có 45 điểm sạt lở núi, đất đá tràn ra đường, chặn lối đi về các xã, giao thông gần như tê liệt hoàn toàn. Để có nguồn kinh phí khắc phục toàn bộ những điểm sạt lở này là bài toán rất nan giản đối với huyện miền núi Sơn Tây.
Ông Đinh Quang Ven – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: Thời gian qua, tranh thủ nguồn hỗ trợ của cấp trên và nguồn lực của huyện, huyện đã tiến hành khắc phục một số điểm sạt lở trên địa bàn để nhân dân vận chuyển hàng hóa, nông sản. Tuy nhiên, với nguồn lực của huyện hiện nay, không thể khắc phục được hết các điểm sạt lở.
Sạt lở núi là nỗi lo thường trực của người dân vùng miền núi mỗi khi mưa bão |
Theo ông Ven, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm sạt lở chưa được khắc phục, nguy cơ mùa mưa bão năm 2018 sẽ tiếp tục sạt lở gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân. Trước tình hình này, huyện đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và đề ra các phương án để đối phó với các tình huống xảy ra.
“Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân những vùng sạt sở, chúng tôi đã chủ động trong việc xây dựng phương án phòng chống thiên tai, quán triệt thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Ví dụ như, nếu mưa nặng hạt liên tiếp 3 ngày thì chúng tôi sẽ di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Còn về tài sản, trước mùa mưa, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân chuyển đến nơi an toàn trước”- ông Ven cho biết thêm.
Huyện Sơn Tây đang đối mặt với nguy cơ “sạt lở kép” từ nhiều phía. Và, “điệp khúc” di dân chạy tránh núi đè tiếp tục lặp lại trong mùa mưa lũ năm nay. Thực tế cho thấy mặc dù chính quyền các cấp của huyện đã chủ động trong việc xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Song do địa hình phức tạp, nhiều điểm xung yếu, thời tiết lại diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường, trái quy luật nên nguy cơ xảy ra sạt lở núi rất cao và thiệt hại là điều khó tránh trong mùa mưa bão năm nay.
H.P