(Báo Quảng Ngãi)- Học sinh bỏ học, đi học không đều là nỗi trăn trở của những người làm công tác giáo dục vùng cao Quảng Ngãi. Nguyên nhân bỏ học thì nhiều, nhưng phần lớn các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều em mồ côi, thiếu tình thương yêu của bố mẹ. Vì thế, các em cần một điểm tựa yêu thương để tiếp bước đến trường.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ 1: Mồ côi tội lắm ai ơi! Thiếu hiểu biết về vấn đề hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản, sự nhẹ dạ trong quan hệ tình cảm lứa đôi của những cô gái trẻ người dân tộc thiểu số đã để lại những hệ lụy đáng thương. Vì thế mà nhiều đứa trẻ sinh ra nơi miền sơn cước đã thiếu tình thương của cha mẹ; có nguy cơ bỏ học giữa chừng... |
Những mảnh đời bất hạnh
Chúng tôi trở lại xã Sơn Ba (Sơn Hà) vào một ngày đầu thu. Theo chân cô giáo Đinh Thị Năm, băng qua những con đường gập ghềnh, chúng tôi tìm đến nhà em Đinh Thị Khuya, học sinh lớp 8A, Trường THCS Sơn Ba. Trong căn nhà tối om, trước mắt chúng tôi là hình ảnh một cô bé gầy gò, đen nhẻm, không ai nghĩ em đã là học sinh lớp 8.
Ban giám hiệu và thầy cô Trường THCS Sơn Ba (Sơn Hà)thăm hỏi, động viên em Đinh Thị Khuya (đang ôm em) đến trường. |
Khuya vừa đón em từ trường mầm non về. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt ngây thơ với cặp mắt đen huyền dưới làn da cháy nắng của em. Hai chị em Khuya là những đứa trẻ chưa một lần biết bố là ai. Mẹ đi làm ăn xa, dăm ba bữa, nửa tháng mới về. Mới 14 tuổi, nhưng suốt 4 năm qua, Khuya phải thay mẹ lo cho em từng bữa ăn hằng ngày, từ tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa, đến việc đưa đón em đến trường. Chiều về, Khuya phải cùng em đi chăn trâu...
Khuya tâm sự: “Con sợ nhất là những đêm khuya chỉ có hai chị em ở nhà. Những hôm em Khuyên đau, sốt con không biết phải làm thế nào, chỉ mong cho trời mau sáng để qua nhờ các cô chú hàng xóm giúp đỡ. Lúc ấy, con ước được có ba, mẹ bên cạnh…”. Mới là học sinh lớp 8, nhưng Khuya đã “già” đi so với lứa tuổi mà lẽ ra em phải được chăm sóc, yêu thương từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc học hành.
"Những học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc không biết cha mình là ai trên địa bàn huyện Sơn Hà có rất nhiều. Đây là những hoàn cảnh rất đáng thương, thường xuyên bỏ học hoặc đi học không đều. Vì thế, ngành giáo dục Sơn Hà đã phát động phong trào “giáo viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, học yếu, có nguy cơ bỏ học”. Sau 2 năm triển khai, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều thầy cô dành tâm huyết, tình yêu thương chăm sóc học sinh như con ruột của mình. Nhờ đó, các em thích đến trường hơn, học tập tiến bộ, chất lượng giáo dục của huyện từ đó cũng được nâng lên.
|
Tiếp tục cuộc hành trình tìm đến với những trẻ em mồ côi ở huyện miền núi Sơn Hà, chúng tôi dừng chân trước cổng ngôi nhà nằm bên cạnh một quả đồi vắng. Đây là nơi em Đinh Văn Ngào, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Sơn Bao đang sinh sống. Hai anh em Ngào mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Không như cái tên với ý nghĩa ngọt ngào của mình, Ngào là đứa trẻ bất hạnh, thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ từ khi tuổi lên 3.
Năm ấy, mẹ vừa sinh Ngào được 10 ngày thì bị đau tim và đã ra đi vĩnh viễn. Sau đó, bố Ngào cũng bỏ đi biệt xứ. Thế là hai anh em Ngào phải sống trông cậy vào ông bà nội. Tuổi thơ hai em lớn lên như cây dại giữa đại ngàn, thiếu thốn tình thương của bố mẹ, nhưng trong ánh mắt Ngào lúc nào cũng chất chứa khát vọng vươn lên.
Mơ một mái ấm có cha, có mẹ
May mắn hơn anh em của Ngào, cháu Đinh Thị Diên, lớp Lá B, Trường Mầm non Hướng Dương (Sơn Bao) còn có người mẹ hết mực yêu thương em. Diên là kết quả của một cuộc tình nhẹ dạ của một người con gái mới lớn. Khi mới đôi mươi, mẹ Diên đã phải lòng một người đàn ông làm công trình gần nhà và kết quả của mối tình ấy là sự ra đời của Diên. Từ ngày công trình ấy hoàn thành, người đàn ông đó cũng ra đi, để lại người phụ nữ không chồng và đứa trẻ mồ côi cha là Diên.
Thiếu thốn tình cảm của ba mẹ, Ngào (bìa phải) từng là đứa trẻ tự kỷ. |
Giờ đây, mẹ Diên đi làm ăn xa, nên em phải ở nhà với ông bà ngoại. Không chỉ có Diên, mà ở thôn Làng Mùng, xã Sơn Bao còn có hàng chục đưa trẻ em ra đời mà không biết bố là ai. "Ở miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số trẻ sinh ra không có cha rất nhiều. Để giải đáp thắc mắc của trẻ, các bậc phụ huynh thường nói dối trẻ về người cha của mình. Đó là một thiệt thòi lớn cho các con", cô giáo Trần Thị Mỹ Linh, Chủ nhiệm lớp lá B, Trường Mầm non Hướng Dương thổ lộ.
Hạnh phúc lớn nhất của đời người là được sống trong một mái ấm gia đình có cha, có mẹ. Đây là điểm tựa để con trẻ hình thành nhân cách, vươn lên trong cuộc sống. Nhưng ở huyện miền núi Sơn Hà, hiện tại có trên 600 học sinh mồ côi, trong đó có rất nhiều trường hợp chưa một lần được nhìn thấy cha hoặc mẹ của mình. Khi trò chuyện với các em, điều làm chúng tôi ray rứt là trong đôi mắt thơ ngây của những trẻ mồ côi luôn chứa đựng nỗi khát khao cháy bỏng về một mái ấm gia đình, mong được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.
Những đứa trẻ này là hệ lụy của những cuộc hôn nhân đổ vỡ, những cuộc tình ngây thơ, nhẹ dạ, không biết bảo vệ mình của các cô gái trẻ miền sơn cước. Hậu quả để lại cho những người phụ nữ là phải làm mẹ đơn thân, những đứa trẻ không cha mà tương lai sau này không biết như thế nào.
Giờ đây, những đứa trẻ như em Đinh Thị Khuya phải thay mẹ nuôi em, gánh vác luôn phần việc của người cha, với muôn vàn khó khăn ở phía trước. “Con không biết cha con là ai cả. Con chỉ có mẹ, nhưng giờ mẹ cũng đi làm ăn xa, lâu lắm mới về một lần. Con thèm một mái ấm có cha, có mẹ như bao bạn bè khác…”, Khuya tâm sự với chúng tôi mà nước mắt chảy dài trên đôi gò má gầy nhom. Có lẽ, với sự thiếu thốn tình cảm cha mẹ, sự từng trải trong cuộc sống nơi miền sơn cước đã giúp em Khuya thấyđược sự mất mát rất lớn trong cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi. Vì thế, dù cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Khuya và nhiều đứa trẻ mồ côi ở huyện Sơn Hà vẫn hằng ngày mong được đến trường với hy vọng tìm được một cuộc sống mới cho tương lai sau này.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
---------------------
Kỳ cuối: Cô giáo như mẹ hiền