Góp sức xây dựng quê hương

09:08, 04/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù thời chiến hay thời bình, ông Lê Đình Dung và ông Lê Trang ở huyện Sơn Tịnh vẫn luôn tận tâm cống hiến sức lực cho quê hương. Không ngại khó khăn, việc gì địa phương cần là hai ông có mặt. Đây là hai gia đình có công tiêu biểu của huyện Sơn Tịnh.

TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Đình Dung nay đã 73 tuổi, sống ở thôn Minh Trung, xã Tịnh Minh. Còn ông Lê Trang 63 tuổi, ở thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình.

Có mặt trong mọi phong trào

Khi 17, 18 tuổi ông Dung đã tham gia du kích ở địa phương. Thấy chàng trai trẻ luôn xông pha chiến đấu, năm 1973, tổ chức quyết định giao chức Trưởng Ban An ninh xã Tịnh Minh cho ông Dung. Đến năm 1972, ông giữ chức Xã đội trưởng. Sau đó, ông được tín nhiệm làm lãnh đạo xã. Năm 1992, ông Dung chuyển sang làm công tác thủy lợi ở địa phương, đến năm 2006 thì về hưu.

 

Dù tuổi đã cao, nhưng vợ chồng ông Lê Đình Dung vẫn hết lòng với công việc của địa phương.
Dù tuổi đã cao, nhưng vợ chồng ông Lê Đình Dung vẫn hết lòng với công việc của địa phương.


Tuy nghỉ hưu, nhưng bất kỳ phong trào, cuộc họp ở thôn, xã về công tác xây dựng bộ máy chính quyền, hay xây dựng nông thôn mới, ông đều tham gia. Có nhiều vấn đề cán bộ hoặc dân thắc mắc đều đến tìm ông nhờ giải thích. Như cuối năm 2017, xã Tịnh Minh triển khai dồn điền đổi thửa và chọn xóm 3, thôn Minh Trung làm điểm. Trong quá trình triển khai có nhiều ý kiến phản đối. Những cuộc họp liên tiếp mở ra và ông đều có mặt cùng chính quyền chỉ ra mặt lợi của việc dồn điền đổi thửa. Bằng những lý giải thuyết phục của ông mà người dân hiểu và ủng hộ chủ trương.

Trong phong trào hiến đất làm đường bê tông, ông cũng tham gia vận động. Xóm 3 cũng là xóm đầu tiên của xã hoàn thành 3km đường bê tông. Các hộ dân đều sẵn lòng hiến 20 - 50m² đất, phá bỏ hàng rào để mở đường. Có được thành quả đó cũng nhờ sự vận động, đóng góp của ông Dung.

Hăng say sản xuất

Sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia, năm 1982, ông Trang trở về địa phương."Thời gian này kinh tế gia đình rất khó khăn, vợ chồng tôi phải dồn sức sản xuất. Sau nhiều năm làm ruộng, nhưng lời lãi không nhiều, năm 1990, tôi quyết định nuôi 40 con heo thịt và mua máy xay gạo phục vụ nhu cầu của bà con. Từ năm 2000 - 2010, số lượng đàn heo tăng lên 100 con, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình", ông Trang bộc bạch. Không dừng lại ở đó, năm 2009, ông Trang còn đầu tư nuôi gà và bò. Đến nay, đàn gà của ông đã hơn 3.000 con và đàn bò có 12 con.

Vừa sản xuất, ông Trang vừa miệt mài với phong trào ở địa phương. Với cương vị là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh thôn, thấy đa số hội viên CCB còn nhiều khó khăn, năm 2011, ông Trang đề xuất hội triển khai mô hình trồng cây keo gây vốn hỗ trợ hội viên thoát nghèo.

Ông Trang chia sẻ: "Thôn Bình Đông nhận hơn 3,5ha đất để trồng keo. Chúng tôi vận động 45 hội viên đóng góp tiền để mua giống, phân và đầu tư chăm sóc. Tiền thu hoạch keo lần đầu cho 6 hội viên vay 10 triệu đồng/người. Thấy hiệu quả, đến nay 100% hội viên đã tham gia mô hình trồng keo gây quỹ của hội".

Ông Trang còn là người tiên phong thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật và vận động mua 30 bi cống để ở đồng ruộng bỏ rác thải. Cứ sau mỗi vụ mùa ông vận động hội viên CCB đi dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh đồng ruộng.

"Trong thời chiến, cha mẹ tôi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Anh trai tôi hy sinh khi 20 tuổi. Tôi cũng noi gương gia đình tham gia chiến đấu. Dù ở thời chiến hay thời bình, nếu yêu quê hương thì sẽ hết lòng cống hiến!", ông Trang nói.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG



 


.